Gần đây, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Dược Fidimilk đã chủ động thu hồi ba sản phẩm sữa bột sau khi phát hiện thông tin ghi nhãn chưa phù hợp với quy định. Dù doanh nghiệp khẳng định chất lượng và công thức sản phẩm không bị ảnh hưởng, sự việc vẫn một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng quảng cáo và nhận thức sai lệch đối với thực phẩm bổ sung, đặc biệt là sữa bột.

Trong thông báo được phát đi, Fidimilk nhấn mạnh đây là hành động thể hiện tinh thần minh bạch thông tin, tuân thủ pháp luật và đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu. Đơn vị này cũng cam kết sẽ khác phục lỗi trong thời gian sớm nhất.

Điều đáng ngại, hiện nay có rất nhiều thực phẩm được “thần thánh” hóa với nhiều công dụng chữa bệnh mà cả doanh nghiệp và người tiêu dùng phải tỉnh táo nhìn nhận.

Sữa là thực phẩm bổ sung, có chức năng cung cấp năng lượng, dưỡng chất thiết yếu hỗ trợ sự phát triển và duy trì sức khỏe. Trong nhiều trường hợp, sữa được sử dụng như bữa ăn phụ hoặc thay thế bữa ăn nhẹ cho người lớn, trẻ em, người bệnh hoặc người cao tuổi. Tuy nhiên, sữa không phải là thuốc, không có chức năng điều trị hay phòng ngừa bệnh lý, sữa đơn thuần chỉ là thực phẩm.

Việc đưa ra những lời quảng cáo quá đà như “sữa ngăn ngừa ung thư”, “phục hồi tế bào tổn thương”, “giải độc cơ thể”,… không chỉ vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm mà còn tạo ra hiểu nhầm về công dụng của sản phẩm. Từ đó có thể gây ra nhiều hệ lụy không tốt đối với người dùng.

Trong bối cảnh thị trường thực phẩm chức năng, sữa dinh dưỡng, sản phẩm bổ sung ngày càng đa dạng và bùng nổ, việc nâng cao nhận thức của cả người bán và người mua là điều cấp thiết. Các nhà sản xuất cần tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật trong quảng cáo. Nhà sản xuất, bán hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, không mập mờ, không lạm dụng những ngôn từ gợi liên tưởng đến tác dụng điều trị bệnh.

Để tránh lặp lại những sai lầm tương tự, cả người bán và người tiêu dùng cần hiểu rõ bản chất của các sản phẩm thực phẩm bổ sung như sữa. Đối với người bán, việc cung cấp thông tin chính xác, minh bạch là yếu tố then chốt để xây dựng lòng tin. Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về ghi nhãn và quảng cáo, tránh sử dụng ngôn từ gây nhầm lẫn hoặc thổi phồng công dụng. Đối với người tiêu dùng, việc tỉnh táo trước các quảng cáo “thần thánh hóa” là vô cùng cần thiết.

Trước khi mua sản phẩm, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ thông tin trên bao bì, tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ, đặc biệt khi sản phẩm được quảng cáo với những công dụng liên quan đến sức khỏe.

Thuận Yến