Theo Bộ TN&MT, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 118 của Chính phủ, tổng số công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh sau rà soát đến nay là 246 đơn vị, đang quản lý gần 1,87 triệu ha đất nông, lâm nghiệp. Trong đó, diện tích các công ty nông, lâm nghiệp dự kiến bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng là hơn 463.000 ha.
Trong 1,8 triệu ha mà các công ty giữ lại, có 117 công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh đã được đã được UBND các tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất, với tổng diện tích dự kiến giữ lại là gần 890.000 ha, bằng 47,6%. Diện tích đang sử dụng nhưng chưa lập hồ sơ giao đất, thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất là hơn 154.000 ha, chiếm 8,27% tổng diện tích dự kiến giữ lại.
Đáng chú ý, trong diện tích mà các công ty đang giao, khoán, liên doanh liên kết, cho thuê, mượn đang có tranh chấp, bị lấn, chiếm (245.787 ha, chiếm 13,15% diện tích dự kiến giữ lại) thì đất lấn chiếm, tranh chấp không kiểm soát được là gần 57.000 ha.
Ông Lê Thanh Khuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, công tác quản lý đất đai tại các nông lâm trường có chuyển biến trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
“Nổi cộm là việc sử dụng đất nông lâm trường không hiệu quả, xảy ra nhiều tranh chấp phức tạp giữa người dân và các công ty nông lâm nghiệp, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp không được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương. Việc giải quyết nhu cầu bố trí đất ở, đất canh tác cho người dân địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do chưa có giải pháp một cách căn cơ, thấu đáo”, ông Khuyến nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu phải rà soát đất do các công ty nông lâm trường giữ lại so với nhu cầu thực tế, năng lực quản lý so với thực trạng diện tích dự kiến để lại sử dụng.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra lại diện tích đất nông lâm nghiệp đang sử dụng nhưng chưa lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất. Có giải pháp để tăng tỉ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là việc giao đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; đổi mới mô hình quản lý để sử dụng hiệu quả đất nông lâm nghiệp; duy trì hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường; có cơ chế tín dụng đề hỗ trợ trồng rừng…
“Phải thanh tra, kiểm tra đất đã giao đối với các tổ chức có biểu hiện vi phạm và những đơn vị đã nhận bàn giao nhưng chưa có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả. Đối với hiện tượng lấn chiếm đất nông, lâm nghiệp trái phép, phải tiến hành thu hồi theo quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hoan Nguyễn