Số liệu của năm 2021 thể hiện, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Trong 02 năm qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, tăng 4-6 lần và đến nay chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Ảnh minh họa internet
"Gánh nặng" phí logistics đối với xuất nhập khẩu như thế nào? Ảnh minh họa internet.

Còn theo tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), năm 2021 chi phí logistics vẫn chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%.

Ông Nguyễn Tương, Cố vấn cấp cao Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam phân tích: Chi phí logistics gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan... chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng giá thành sản phẩm nên chi phí này tăng cao kéo theo giá thành hàng hóa bị đẩy lên cao. Và đây là “thách thức” không nhỏ đối với doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam thời điểm hiện tại.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: Giá cước vận tải biển năm nay đã lập kỷ lục mới cao hơn mức “đỉnh” của năm 2021.

Cụ thể, giá cước đi Thái Lan (cảng Bangkok, Laem Chabang) dao động từ 1.600-2.500 USD/ container; giá cước đi Philippines (Davao, Cebu, General Santos) dao động 4.000-5.300 USD/container; đi các cảng bờ Tây nước Mỹ dao động từ 12.000-14.000 USD/ container (tùy hãng); đi bờ Đông nước Mỹ như (Baltimore, Miami, New Orleans, Houston…) dao động ở mức cao từ 19.000-22.000 USD/ container…

Cùng với cước vận tải biển, VASEP nhận định: Năm 2022, phí chuyên chở container tiếp tục được nhiều hãng tàu thông báo điều chỉnh tăng đến 20%, dù trước đó mức giá đã rất cao, tăng vài lần so với thời điểm trước khi có dịch.

Trong khi cước vận tải biển và chi phí thuê container đang “phi mã”, thì theo ông Nguyễn Tương, việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP. HCM (gọi chung là phí hạ tầng cảng biển) từ ngày 01/04/2022 vừa qua lại càng khiến doanh nghiệp thêm khốn khó.

Ảnh minh họa internet
"Gánh nặng" phí logistics đối với xuất nhập khẩu như thế nào? Ảnh minh họa internet.

Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bee Logistic Việt Nam cho rằng: Hiện nay, một số chính sách, thủ tục về xuất nhập khẩu đang là nguyên nhân khiến doanh nghiệp “hụt hơi”. Doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp vướng mắc với quy định của hải quan cho phép hàng hóa vận chuyển chỉ có thể được đóng gói lại nhưng không được phép lắp đặt; số lượng hàng hóa đầu vào phải đúng với đầu ra,… Những quy định này đang cản trở doanh nghiệp làm logistics với bên thứ ba.

Theo ông Nguyễn Tương, thực tế cho thấy, ngoài những nguyên nhân khách quan từ tình hình thế giới thì nguyên nhân chủ quan đó là hầu hết các doanh nghiệp logistics Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động thiếu liên kết, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ, chưa có tính kết nối cao giữa các loại hình vận tải, giao nhận… khiến chi phí logistics thời gian qua tăng cao.

Chính vì thế, để giảm thiểu áp lực về chi phí logistics, ông Nguyễn Tương cho rằng, các doanh nghiệp logistics cần thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư trong ngành nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp logistics phải vận dụng mọi biện pháp để giảm chi phí bằng cách thay đổi phương thức điều hành, thay đổi giữa các phương thức vận chuyển sao cho hợp lý cũng như phát triển mạnh đội tàu biển Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, để giảm chi phí, doanh nghiệp logistics cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số cũng như sắp xếp lại tổ chức tinh gọn hơn, hiệu quả hơn.

C.H (t/h)