Hàng hóa giảm nhiệt theo giá xăng
Trong hơn 2 tháng qua, Liên Bộ Công thương - Tài chính liên tục giảm giá xăng dầu. Hiện, giá xăng E5, RON 92 và RON 95 đang ở mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây, tương đương với thời điểm vào tháng 9/2021 đã giúp cho nhiều ngành hàng giảm giá theo. Điển hình như giao thông vận tải, có nhiều công ty vận tải, hãng taxi đã giảm giá từ 10 - 15% so với thời điểm giá xăng dầu ở mức cao.
Trở lại diễn biến hàng tiêu dùng thiết yếu, theo ghi nhận tại Hà Nội, mặc dù vẫn ở mức cao nhưng đã hạ nhiệt, các tiểu thương không vin vào lý do giá xăng dầu tăng để tăng giá bất hợp lý. Cụ thể, giá thịt lợn đã giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg tuỳ loại so với đầu tháng 9/2022. Theo đó, thịt mông sấn, vai sấn giá 100.000 đồng/kg; sườn non, ba chỉ, nạc vai từ 120.000 đồng/kg; thịt bò từ 210.000 - 230.000 đồng/kg (tùy loại), giảm 20.000 đồng/kg; thịt gà làm sẵn 120.000 đồng/kg, giảm 20.000/kg so với đầu tháng...
Giá một số loại rau xanh, thực phẩm tươi sống có xu hướng giảm. Đơn cử như bắp cải ta 15.000 - 18.000 đồng/kg (trước đây 25.000 đồng/kg); cải ngọt 15.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng. Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm vùng miền, nhiều mặt hàng thiết yếu cũng được điều chỉnh giảm giá khoảng 5%, kèm theo những chương trình ưu đãi, khuyến mại khác để thu hút người tiêu dùng.
Trên thực tế, giá xăng dầu trong nước giảm trong thời gian qua đã có tác động trực tiếp giúp giá cước vận tải giảm theo, góp phần hóa giải áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng của năm 2022.
Thực tế cho thấy, không chỉ giảm giá cước vận chuyển hàng hóa, một số hãng xe taxi, xe khách đã thực hiện giảm giá cước, với mức giảm từ 5 - 12%. Khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm giá cước từ 5,26% đến 14,7%. Các loại hình vận tải du lịch, hợp đồng giảm theo thỏa thuận khi ký kết hợp đồng vận chuyển giá tăng giảm theo từng thời điểm.
Không chủ quan khi giá tiêu dùng được kiềm chế
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng dầu liên tiếp giảm là tin vui với người dân trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi tích cực, giúp cho giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ giảm theo và kích cầu tiêu dùng. Khả năng chỉ số lạm phát năm 2022 được khống chế dưới 4% đúng theo mục tiêu được Chính phủ, Quốc hội đề ra.
Mặc dù các giải pháp kiềm chế lạm phát đã và đang phát huy hiệu quả, nhưng không thể chủ quan trong những tháng cuối năm 2022. Theo các chuyên gia kinh tế, để giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ, bên cạnh việc kìm giá xăng dầu thì còn cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, điều hành giá, nhất là tăng cường nguồn cung hàng hóa, giảm khâu trung gian, giảm chi phí nguyên liệu đầu vào cũng như chi phí logistics...
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, các loại hàng hóa, dịch vụ tuy có giảm nhưng chưa đáng kể và chưa tương xứng với mức giảm của xăng dầu. Hầu hết người tiêu dùng đều mong muốn, các loại hàng hóa, dịch vụ, nhất là mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, dịch vụ thiết yếu sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm nhanh và nhiều hơn trong thời gian tới để phù hợp thị trường, giúp các gia đình giảm được áp lực trong cuộc sống.
Giá gas giảm lần thứ 7 trong năm 2022
Điểm đáng chú ý trong tuần qua là giá gas bán lẻ nội địa giảm lần thứ 7, với tổng mức giảm 122.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng không vượt quá 426.500 đồng/bình 12 kg và 1.776.500 đồng/bình 50 kg. Như vậy, trong năm 2022, giá gas giảm tất cả 7 lần với tổng mức giảm 122.000 đồng/bình 12 kg.
“Hàng tiêu dùng không giảm theo giá xăng dầu và vận tải là bất hợp lý, nguyên nhân chính là khâu trung gian. Cần phải có giải pháp cụ thể cùng chế tài đủ mạnh để đưa hàng hóa về mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, trong cơ cấu giá bán mặt hàng thực phẩm, rau xanh, ngoài chi phí vận chuyển còn phụ thuộc vào giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... Vì vậy, rất có thể những tháng cuối năm, các mặt hàng tiêu dùng có thể tăng giá trở lại” - ông Vinh Phú bình luận.
Liên quan đến việc đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, góp phần kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2022, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, ngành Công thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường hàng hóa để chủ động các giải pháp nhằm kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế.
Về các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường xăng dầu, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023.
Theo TBTCVN