Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Cuộc góp ý vào Dự thảo Luật Giá sửa đổi vẫn tiếp tục diễn ra đối với mặt hàng sách giáo khoa trong đó vấn đề được quan tâm nhiều nhất là Nhà nước hay thị trường định giá hiệu quả hơn. Thương hiệu & Công luận đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam về vấn đề này.

THCL: Xin ông cho biết lý do của việc chuyển đổi cơ chế quản lý sản xuất sách giáo khoa hiện nay so với trước đây, xã hội kỳ vọng gì vào việc chuyển đổi này?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Từ lâu, sách giáo khoa (SGK) cho học sinh là một loại hàng hóa luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng xã hội (cả về số lượng, chất lượng và giá cả).

Trải qua nhiều thập kỷ trước đây, để thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội, cơ chế quản lý kinh tế, tài chính, giá cả thì SGK được xếp vào loại hàng hóa thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất kinh doanh và giao cho Nhà xuất bản giáo dục thực hiện và trên thực tế chỉ có duy nhất Nhà xuất bản giáo dục được quyền sản xuất, phát hành SGK cung ứng ra thị trường theo giá do Nhà nước quy định. Cơ chế độc quyền ấy tuy đã đưa lại những tác dụng tích cực nhất định trong việc cung ứng SGK, đáp ứng nhu cầu của thị trường phù hợp với đòi hỏi của bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước ta trong giai đoạn trước đó. Nhưng cơ chế ấy được vận hành trong một thời gian khá dài, không được thay đổi dần đã bộc lộ những khiếm khuyết, thậm chí gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội và nó đã trở nên lỗi thời không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi, với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, nhu cầu phát triển giáo dục và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Thực tiễn ấy đòi hỏi phải có sự thay đổi.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông; Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội đã có quyết định mang tính đột phá đổi mới cơ chế quản lý SGK từ cơ chế độc quyền sang cơ chế thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; thực hiện một chương trình, nhiều SGK. Điều đó chính là chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế cạnh tranh nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực của xã hội có hiệu quả; thúc đẩy các tổ chức, cá nhân có tâm huyết, năng lực sáng kiến biện soạn SGK để tạo ra các bộ sách giáo khoa phong phú, đa dạng, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế.

Đó là những quyết sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của phát triển.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

THCL: Việc đổi mới cơ chế quản lý SGK được kỳ vọng là giá SGK sẽ vận động ở mức hợp lý. Nhưng thực tiễn không hẳn như vậy đã làm cho dư luận khá bức xúc về giá SGK vừa qua cao gấp 2-3 lần SGK cũ? Liệu có điều gì bất hợp lý trong việc định các mức giá này? Ông lý giải điều này ra sao?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Sự bức xúc, thậm chí không đồng tình của dư luận xã hội về giá SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới cao gấp 2-3 lần giá SGK cũ (giá SGK cũ đã được giữ ổn định hàng chục năm) là điều dễ hiểu và có thể chia sẻ được. Tuy nhiên, tôi cho rằng khi xem xét bản chất của vấn đề thì sự chênh lệch cao hơn của SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới so với SGK cũ là không tránh khỏi trong bước đầu chuyển đổi.

Cụ thể: Về khách quan, khi đặc điểm, yêu cầu cũng như chương trình giáo dục phổ thông, quy trình biên soạn SGK mới đã hoàn toàn thay đổi so với sách giáo khoa cũ; Cộng với việc chuyển cơ chế khi SGK mới không còn được Nhà nước bao cấp ở một số khâu như SGK cũ mà phải thực hiện nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường. Điều đó sẽ làm cho chi phí sản xuất SGK mới chắc chắn cao hơn SGK cũ, chưa kể các chi phí đầu vào để sản xuất SGK mới hiện nay đã tăng cao hơn khá nhiều so với chi phí đầu vào tính giá SGK cũ cách đây hàng chục năm.

Nếu thực hiện việc so sánh một cách cụ thể trên cùng một mặt bằng, cùng một tiêu chí thì kết quả của sự chênh lệch cao hơn vì nguyên nhân gì càng được thể hiện rõ; cụ thể:

Chi phí đầu tư tổ chức biên soạn, xây dựng bản thảo SGK cũ được bao cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA, trong khi sách mới là do các Nhà xuất bản tự bỏ vốn đầu tư.

Các chi phí xúc tiến thị trường như: Tổ chức giới thiệu sách tại các địa phương; tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị sách; bồi dưỡng, tập huấn sử dụng sách… đối với SGK cũ không phải bỏ ra khoản chi này (vì độc quyền cung ứng), trong khi SGK mới các nhà xuất bản phải đầu tư cho chi phí này.

Đối với khổ sách thành phẩm: SGK cũ: 17cm x 24cm; SGK mới: 19cm x 26,5cm. Tương ứng với khổ sách trên thì lượng giấy in tiêu hao lần lượt với định lượng là: 60g/m2 và 65g/m2.

Đối với số lượng sách, số lượng trang, hình thức sách… tôi xin được dẫn chứng đối với hai loại sách giáo khoa lớp 1 và lớp 2 như sau:

THCL:Cùng với việc chuyển cơ chế sản xuất SGK thì giá lại cao hơn trước, các phụ huynh học sinh phải bỏ nhiều tiền hơn mua sách cho con đi học. Theo ông Nhà nước cần có chính sách gì để hỗ trợ?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Giá SGK không chỉ ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới áp dụng cơ chế giá thị trường đối với SGK cũng rất quan tâm đến việc kiềm chế giá SGK hoặc Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người sử dụng sách bằng những biện pháp thích hợp. Tùy theo điều kiện của mình mà mỗi nước áp dụng các biện pháp khác nhau, cụ thể: có nước quy định “vòng đời” thay đổi sách và sử dụng sách – tức là xem xét 4-5 năm mới thay đổi SGK một lần; có nước thì thực hiện chinh sách cho vay, cho thuê sách, phát sách miễn phí…

Từ những kinh nghiệm đó, chúng ta có thể nghiên cứu, học tập và chọn lọc các biện pháp nào đó đồng thời xây dựng các biện pháp khác để áp dụng phù hợp với điệu kiện Việt Nam, nhưng cần thực hiện theo hướng hỗ trợ ngoài giá SGK cho các đối tượng sử dụng SGK thụ hưởng chính sách an sinh xã hội không bao cấp, bù giá, bù lỗ qua giá cho việc sản xuất, phát hành SGK – tức không thực hiện chính sách an sinh xã hội trong giá, mà giá SGK vẫn phải thực hiện chính sách xã hội hóa, có cạnh tranh, bảo đảm để các nhà xuất bản SGK được thị trường thanh toán theo giá tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ theo tín hiệu thị trường mà họ đã tự bỏ nguồn lực của mình để đầu tư nhằm khuyến khích thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, giảm gánh nặng đầu tư cho NSNN và để sản xuất, cung ứng SGK được tiến hành bình thường.

Đồng thời cũng không bao cấp tràn lan cho tất cả các đối tượng sử dụng sách trong xã hội mà cần áp dụng các biện pháp điều tiết mức giá thị trường hợp lý, gắn với chính sách hỗ trợ kinh phí trực tiếp, có trọng tâm, trọng điểm để đối tượng được hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội có tiền mua sách giáo khoa phục vụ học tập (các đối tượng học sinh là gia đình chính sách, học sinh thuộc các hộ nghèo, học sinh ở các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn…)

THCL:Nhiều ý kiến, trong đó có những ý kiến của đại biểu Quốc hội đồng tình với việc Dự thảo Luật Giá sửa đổi đưa mặt hàng SGK vào danh mục Nhà nước định giá. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Với việc chuyển đổi cơ chế sản xuất phát hành SGK hiện nay từ độc quyền sang xã hội hóa đi liền với nó là đổi mới cơ chế quản lý giá từ cơ chế giá độc quyền của hình thái thị trường độc quyền sang cơ chế giá của hình thái thị trường cạnh tranh thì chúng ta cần phải có một cơ chế giá phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường. Các nguyên tắc đó là gì? Đó là: Nếu là cơ chế độc quyền thì Nhà nước cần quyết định giá (như trước đây) là đúng để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp để ấn định giá độc quyền. Nhưng nếu là cơ chế cạnh tranh thì giá hàng hóa phải là giá cạnh tranh do các nhà cạnh tranh quyết định.

Đối chiếu với nguyên tắc đó vào việc sản xuất SGK chúng ta thấy: Hiện nay việc sản xuất SGK đã chuyển sang cơ chế có cạnh tranh thì Nhà nước không nên can thiệp trực tiếp bằng việc quy định giá mà để thị trường quyết định mức giá. Thị trường quyết định mức giá không chỉ phù hợp với bản chất nguyên lý hình thành giá trong thị trường cạnh tranh mà còn phù hợp với cơ chế điều tiết giá thị trường thực tiễn nước ta đang nhất quán theo đuổi. Chỉ có cơ chế ấy mới tạo ra động lực sáng tạo, thúc đẩy việc khuyến khích bỏ vốn đầu tư sản xuất SGK; khuyến khích áp dụng các biện pháp kinh tế kỹ thuật, quản lý tiên tiến để giảm chi phí hạ giá thành và giá bán; cạnh tranh về chất lượng, giá cả, góp phần thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng SGK.

Tuy nhiên, nói thị trường định giá SGK không phải là Nhà nước buông hoặc thả nổi để thị trường tự điều tiết mà Nhà nước vẫn phải quản lý giá của loại hàng hóa này bằng hình thức can thiệp “mềm” để điều tiết mức giá nhằm ngăn ngừa việc xảy ra tình trạng các nhà xuất bản muốn định giá thế nào cũng được. Quan điểm của tôi là: Nhà nước không định giá.

Các nhà xuất bản định giá theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ căn cứ vào các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn do Nhà nước quy định, đó là các định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất SGK (ví dụ như định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu…), Quy chế hướng dẫn tính giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (Quy chế này quy định cụ thể cách tính giá, chi phí nào được tính vào giá, chi phí nào không được tính vào giá, thậm chí có những chi phí chỉ được tính bao nhiêu…); Các nhà xuất bản thực hiện việc đăng ký giá với cơ quan có thẩm quyền và cơ quan có thẩm quyền thực hiện hậu kiểm các mức giá do các nhà xuất bản đăng ký.

Thương hiệu & Công luận:  Xin cảm ơn ông!