Tính đến thời điểm này, bệnh dịch tả châu Phi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi lợn trong nước, với hơn 5 triệu con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Theo tính toán với mức thiệt hại do bệnh dịch tả châu Phi gây ra, sản lượng thịt lợn trong nước đang thiếu hụt khoảng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều chuyên gia lo ngại, với đà tăng giá như hiện nay thì nguồn cung thịt lợn trong nước sẽ trở nên khan hiếm những tháng cuối năm.
Những ngày vừa qua, giá lợn hơi trong nước liên tục tăng cao với mức dao động từ 55.000 - 70.000 đồng/kg. Đây là mức tăng giá lợn hơi cao nhất ở nước ta trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây.
Nhiều chuyên gia lo ngại giá thịt lợn tăng cao sẽ kéo theo các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng giá, tác động tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm.
Theo PGS. TS. Lê Văn Năm, chuyên gia chăn nuôi nhận định, không loại trừ có tình trạng các cơ sở chăn nuôi đang “cố tình” găm hàng nhằm đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ rất có thể đối tượng chịu thiệt hại trước “cơn bão” giá lợn những tháng cuối năm lại chính là các cơ sở chăn nuôi.
Không loại trừ khả năng các cơ sở chăn nuôi đang “cố tình” găm hàng nhằm đẩy giá
Theo các chuyên gia kinh tế, giá lợn tăng nhanh như hiện nay có nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước từ ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, tình trạng thương lái Trung Quốc “tràn sang” tìm cách thu mua lợn khiến áp lực tăng giá thịt lợn ở nước ta càng trở nên lớn hơn.
Trước diễn biến của giá lợn trên thị trường, Bộ NN&PTNT yêu cầu, ngoài nhiệm vụ phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, kiểm soát tái đàn thì các địa phương phải đảm bảo nguồn cung thịt lợn nhằm bình ổn thị trường trong nước. Tăng sức sản xuất đại gia súc, gia cầm, thủy sản và các nguồn thực phẩm khác nhằm bù đắp sự thiếu hụt cục bộ về thịt lợn.
Tuyên truyền việc điều chỉnh khẩu phần thịt lợn trong bữa ăn của mỗi gia đình đi đôi với kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn lợn, tránh nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thực phẩm dịp cuối năm cần tập trung tăng bình ổn giá đối với mặt hàng thịt lợn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thị trường thịt lợn sẽ không bị xáo trộn nếu các doanh nghiệp chăn nuôi, kinh doanh thực phẩm chung tay với Chính phủ vì sự phát triển của ngành chăn nuôi và lợi ích người tiêu dùng.
Mới đây, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, ngày 21/10, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 12/CT-BCT trong đó có nhiều nội dung liên quan đến bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo.
Cụ thể, Bộ này đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan chủ động tham mưu hoặc có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt heo nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo khi có nhu cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến hết năm 2019 giá thịt lợn trong nước được dự đoán sẽ biến động mạnh. Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn thì ngành chăn nuôi cần quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bình ổn thị trường, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng, đảm bảo sự ổn định của thị trường thực phẩm nói chung, trong đó có mặt hàng thịt lợn.
Hằng Vương