Năm 2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá chịu tác động từ yếu tố chính trị thế giới, ảnh hưởng tình hình thương mại quốc tế nửa đầu năm, về giá cả nguyên, nhiên liệu tăng cao thời điểm nửa cuối năm, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ngành công thương đã triển khai đồng bộ các giải pháp của Trung ương và của tỉnh, đồng thời, bám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, chủ động tham mưu, tìm biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái mới. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng.
Các doanh nghiệp cũng chủ động, thích ứng linh hoạt và tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng 17,2% so với năm 2021. Hầu hết các nhóm ngành sản xuất đều tăng trưởng, góp phần vào kết quả tăng trưởng GRDP toàn tỉnh.
Tỷ trọng và chỉ số sản xuất nhóm ngành chế biến, chế tạo ngày càng tăng cao, năm 2022 đạt 117,22%, tăng 17,22% so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều mặt hàng có chỉ số tăng trưởng ấn tượng, như chế biến thực phẩm tăng 21,16% so với cùng kỳ, sản xuất đồ uống tăng 21,15%, sản xuất trang phục tăng 23,84%…
Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mặt hàng chế biến sâu, hàm lượng khoa học công nghệ lớn, giá trị gia tăng cao và có nhiều dự án quy mô lớn hình thành, đi vào sản xuất ổn định.
Bên cạnh đó, công nghiệp dân sinh tạo nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động khu vực nông thôn, miền núi.
Năm 2023, ngành công thương Thanh Hoá xây dựng và thực hiện mục tiêu nâng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh năm 2023 lên 200.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022.
Hoài Thu