Hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển ngành được giao
Chiều 30/12, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thông tin và truyền thông năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Theo đó, năm 2022 là một năm nhiều khó khăn, thử thách nhưng Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nổi bật.
Bước vào triển khai thực hiện nhiệm vụ năm, ngành Thông tin và Truyền thông luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông, kịp thời tham mưu và tổ chức thực hiện hoàn thành 100% các việc đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định, công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tiếp tục được tăng cường và đạt kết quả tốt, nổi bật trong hầu hết các lĩnh vực.
Các chỉ tiêu dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, phát thanh và truyền hình tiếp tục được duy trì; cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư, nâng cấp mở rộng vùng phục vụ với công nghệ hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh năm 2022.
Cụ thể, doanh thu các dịch vụ bưu chính, viễn thông ước đạt 4.670 tỷ đồng, bằng 103,5% so với cùng kỳ, đạt 117,1% so với kế hoạch giao. Nộp ngân nhà nước hơn 220 tỷ đồng, bằng 110 % so với cùng kỳ. Phát hành báo chí ước đạt 17,5 triệu tờ, cuốn; đạt 100% kế hoạch được giao. .
Tổng số thuê bao trên toàn mạng ước đạt 2.957.000 thuê bao, bằng 100,92% so với kế hoạch được giao, mật độ thuê bao điện thoại đạt 81,62 máy/100 dân. Thuê bao Internet trên toàn mạng ước đạt 2.360.000 thuê bao; đạt mật độ 64,34 thuê bao/100 dân bằng 118% kế hoạch được giao...
Hoạt động quản lý báo chí – xuất bản có nhiều điểm nhấn
Về công tác quản lý về hoạt động báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã tiếp tục quan tâm theo dõi và chỉ đạo sát sao, tổ chức rà soát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí đối với các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo, tạp chí Trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Sở đã tổ chức 12 Hội nghị giao ban báo chí định kỳ hàng tháng với các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú và tổ chức cho phóng viên báo chí đi tác nghiệp tại huyện Thường Xuân để tuyên truyền việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thực hiện cập nhật, theo dõi hơn 7.000 tin bài báo chí Trung ương viết về Thanh Hoá kịp thời báo cáo lãnh đạo tỉnh. Trên cơ sở tổng hợp các nội dung phản ánh của các cơ quan báo chí. Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản đôn đốc các sở, ban, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; kịp thời kiểm tra, xác minh nội dung báo chí phản ánh để trả lời theo quy định. Do đó khắc phục tình trạng đưa tin phản ánh một chiều, sai sự thật, suy diễn, đưa tin sự việc kéo dài, góp phần ổn định dư luận.
Trong hoạt động xuất bản, in, phát hành đã hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, phát hành xuất bản phẩm, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội. Công tác cấp giấy phép in ấn các loại xuất bản phẩm được quản lý chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, đã tổ chức Lễ phát động Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 trên địa bàn huyện Đông Sơn nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.
Bưu chính, viễn thông thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số
Hạ tầng mạng lưới của các doanh nghiệp Bưu chính trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì nâng cấp, khang trang giao dịch, hiện có 24 chi nhánh doanh nghiệp nâng tổng số điểm phục vụ lên 864 điểm phục vụ (bằng 109,6% so với cùng kỳ); 559/559 xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ. Công tác đảm bảo an toàn an ninh trong hoạt động bưu chính được tăng cường; Tổ chức tập huấn công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng, sử dụng dịch vụ hoạt động bưu chính cho các doanh nghiệp bưu chính và UBND cấp huyện.
Các doanh nghiệp bưu chính viễn thông đã chủ động, tích cực phát triển hạ tầng mạng lưới, cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống lụt bão và cứu nạn thiên tai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt công tác đảm bảo thông tin liên lạc bưu chính, viễn thông phục vụ diễn tập khu vực phòng thủ TH-02 (triển khai lắp đặt 30 điểm cầu truyền hình trực tuyến, trên 200 máy điện thoại tại các khu chỉ huy sơ tán).
Hạ tầng viễn thông được triển khai rộng khắp, hoạt động ổn định, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ủng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia, Sở đã hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Bưu điện tỉnh thu thập thông tin Nền tảng địa chỉ số. Kết quả, đã thu thập 909.505 địa chỉ, đạt 99,9% chỉ tiêu theo Kế hoạch, bước đầu ứng dụng nền tảng địa chỉ số với nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode trong hoạt động thương mại điện tử và logistic trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện theo dõi việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn; hướng dẫn, phối hợp các địa phương và Bưu điện tỉnh, Viettel post thu thập thông tin của 33.130 hộ sản xuất nông nghiệp (trong đó Bưu điện tỉnh 31.862 hộ, Viettel post 1.268 hộ); tạo tài khoản Active cho 22.889 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn thương mại điện tử. Cụ thể là sàn Postmart.vn có 21.389 hộ, sàn Voso.vn có 1.500 hộ. Cùng với đó, hỗ trợ đưa 28 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn, 38 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, xây dựng trở thành sản phẩm mũi nhọn để tổ chức truyền thông lan toả.
Dấu ấn trong công tác thực hiện chuyển đổi số
Các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện đang được triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và thay đổi thói quen làm việc từ giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường mạng.
Theo đó, Sở đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đào tạo, tập huấn cho Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh, thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh. Tổ chức đào tạo chuyển đổi số trực tuyến trên nền tảng Onetouch cho trên 700 học viên là lãnh đạo cấp xã; Phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho 15 lớp với trên 1.125 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng. 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. Các xã, phường, thị trấn thành lập 4.233 tổ công nghệ số cộng đồng với 14.758 thành viên để hỗ trợ tuyên truyền đến người dân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số.
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã phát huy vai trò trong công tác tham mưu chỉ đạo chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và trong đời sống xã hội đã có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Sở cũng đã tổ chức thành công các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với chủ đề “Thúc đẩy chương trình chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa” nhằm nâng cao nhận thức, tạo cơ hội trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức các hội nghị “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa”, nhằm tạo ra các giá trị mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh cho 620 doanh nghiệp với gần 1.000 đại biểu trên địa bàn tỉnh.
Chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2021 của Thanh Hóa đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Với tinh thần làm việc không ngại khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hoá trong năm qua đã giúp thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo nền tảng, cơ sở cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Xây dựng, hoàn thiện các nền tảng số để chính quyền số vận hành đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trên môi trường thực - số; hình thành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số để kinh tế số đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh.
Thành tựu của năm 2022, sẽ giúp khích lệ toàn ngành vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới nhiều hơn nữa, tạo ra những đột phá mới, ghi dấu ấn mới cho ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hoá trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Hoài Thu