Sản phẩm đông trùng hạ thảo SUKHA đang được tiê
Sản phẩm đông trùng hạ thảo SUKHA đang được tiêu thụ khá tốt trên các sàn thương mại điện tử. 

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử

Sau 04 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Thanh Hóa đã từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ lợi thế của các huyện, thị xã, thành phố và xây dựng, phát triển hàng trăm chuỗi giá trị trong sản xuất, đưa các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, thế mạnh của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 236 sản phẩm OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm xếp hạng 5 sao quốc gia, 51 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, 184 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao của 158 chủ thể thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố.

Theo đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá, cho biết: Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa được triển khai từ năm 2018, đã phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu riêng của từng địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn.

Việc triển khai Chương trình OCOP đã góp phần khai thác và phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới của người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển của các sản phẩm OCOP, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng, quan tâm đến công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Trong đó, việc thực hiện ứng dụng chuyển đổi số để tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP là xu thế tất yếu trong nền công nghiệp 4.0 hiện nay, để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, mở rộng thị trường, thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển.

Khác với trước đây các sản phẩm chỉ bán tại chợ, hệ thống siêu thị, điểm bán hàng…thì nay đã có nhiều sản phẩm có mặt trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Người tiêu dùng chỉ cần cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh hoặc vào máy tính có kết nối Internet, vào sàn giao dịch thương mại điện tử gõ sản phẩm cần tìm, chỉ sau vài giây có ngay hình ảnh sản phẩm đó với đầy đủ thông tin về giá cả, địa chỉ nơi sản xuất, chất lượng sản phẩm…

Anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh.

Là chủ sở hữu sản phẩm mang nhãn hiệu Yến Thanh được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh cho biết: Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi rất chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hiện nay ngoài hệ thống các chuỗi cửa hàng phân phối ở các huyện, thị trong tỉnh, phía công ty còn đẩy mạnh việc bán hàng online và livestream lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo và đưa sản phẩm Yến Thanh lên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki…

Ban đầu việc đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử cũng gặp nhiều khó khăn nhất là phương pháp tiếp cận như thế nào để khách hàng cảm nhận tốt về sản phẩm. Trong khi thương hiệu Yến xứ Thanh đang chưa tạo được nhiều ấn tượng như thương hiệu yến đến từ địa phương khác. Nhưng với sự chỉn chu trong đầu tư chất lượng sản phẩm nhất là sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao và sự tìm tòi, học hỏi không ngừng nghỉ, đến nay việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử của công ty đang được duy trì ổn định với doanh thu khá cao.

các sản phẩm mang nhãn hiệu Yến Thanh của công ty đã được nhiều người biết đến
Các sản phẩm mang nhãn hiệu Yến Thanh được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.

“Các sản phẩm lên các sàn giao dịch, sàn thương mại điện tử giúp quảng bá sản phẩm của công ty đến tay người tiêu dùng với hiệu ứng rất tốt. Đến nay, các sản phẩm mang nhãn hiệu Yến Thanh của công ty đã được nhiều người biết đến và đặt hàng. Các đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn các đơn hàng từ kênh bán truyền thống gấp 2 đến 3 lần…”- Anh Tú cho biết thêm

Việc sử dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cũng là cách mà sản phẩm đông trùng hạ thảo SUKHA của ông Nguyễn Hoài Châu ở thôn 2, xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa áp dụng.

Lãnh đạo huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá thăm quan cơ sở sản xuất và kinh doanh đông trùng hạ thảo SUKHA
Lãnh đạo huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá tham quan mô hình sản xuất và kinh doanh đông trùng hạ thảo SUKHA.

Theo ông Châu, đông trùng hạ thảo vốn nổi tiếng là một loại nấm dược liệu quý hiếm, chứa nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng lớn đối với sức khỏe con người. Nắm bắt được thực tế, ông Nguyễn Hoài Châu đã tự nghiên cứu công thức nuôi cấy và nhân giống thành công đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo. Qua đó, tạo ra hướng đi mới trong ngành dược liệu tại địa phương, đưa ra thị trường những sản phẩm đột phá về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng.

Hiện tại, cơ sở sản xuất và kinh doanh đông trùng hạ thảo của ông đang chú trọng phát triển kênh bán hàng online. Với giá bán 100.000 đồng/hộp tươi, 350.000 đồng/hộp khô 12,5g.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, mở rộng thị trường và kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử nên mặc dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo SUKHA vẫn tiếp tục được duy trì, mở rộng. Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, đặc biệt trong thời điểm này, di chứng hậu Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sản phẩm đông trùng hạ thảo sẽ có nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai.

thương hiệu nước mắm Khúc Phụ Bà Hoan đã đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hoá
Thương hiệu nước mắm Khúc Phụ Bà Hoan đã đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hoá.

Tuy nhiên, không phải việc đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử nào cũng thuận lợi. Bởi, đây là phương thức bán hàng mới với nhiều hộ sản xuất, hợp tác xã. Cùng với đó, nhiều sản phẩm khó vận chuyển đi xa vì chi phí cao hoặc thị trường cạnh tranh lớn cũng tạo nhiều rào cản trong quá trình tham gia vào “sân chơi” mới này.

Trao đổi với PV Thương hiệu & Công luận, anh Nguyễn Văn Các, Giám đốc công ty TNHH Khuê Các nước mắm sạch truyền thống Bà Hoan cho biết: Năm 2017, Công ty TNHH Khuê Các ra đời và sản xuất chủ lực các dòng sản phẩm nước mắm, mắm tôm, mắm tép Khúc Phụ Bà Hoan. Đến nay, thương hiệu nước mắm Khúc Phụ Bà Hoan đã đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.

Thời gian qua, công ty cũng đẩy mạnh cả phương pháp tiêu thụ truyền thống lẫn đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử nhưng với đặc thù là sản xuất theo phương thức truyền thống thủ công nên ảnh hưởng rất nhiều đến khâu đóng chai, bảo quản cũng như vận chuyển. Cùng với đó, với mặt hàng tiêu dùng này, khách hàng thường cần dùng ngay và có thể mua bất cứ chỗ nào nên việc bán sản phẩm này qua các sàn thương mại điện tử có doanh số rất thấp, không như kỳ vọng.

Đưa sản phẩm OCOP ra “sân chơi” lớn

Để hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 27/8/2021, về việc: “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Mục đích kế hoạch này là nhằm hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh và đưa sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác lên các sàn thương mại điện tử: postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và voso.vn của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel và các sàn giao dịch thương mại điện tử hợp pháp khác nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thì trường trong nước và quốc tế. Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn…

Thực hiện Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 27/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn thương mại điện tử.

Cụ thể, trong tháng 4/2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với UBND các huyện Quan Hoá, Ngọc Lặc, Thị xã Bỉm Sơn, Bưu điện tỉnh Thanh Hoá và Chi nhánh bưu chính Viettel Thanh Hoá tổ chức tập huấn về chuyển đổi số, kinh tế số cấp xã, thôn, bản cho hơn 500 học viên là cán bộ xã, thôn, Đoàn TNCS HCM, Tổ công nghệ số cộng đồng thuộc 03 huyện, thị xã; ngày 9/11, Sở Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với UBND thành phố Thanh Hóa tổ chức hội nghị tập huấn chuyển đổi số, kỹ năng số và triển khai nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn thành phố…

Thông qua các buổi tập huấn, các học viên đã nắm bắt được các chủ trương của nhà nước, của tỉnh trong hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; đồng thời qua đó, các học viên cũng được hướng dẫn về kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hỗ trợ đăng ký tài khoản mua, bán hàng trên sàn thương mại điện tử; cách đưa các sản phẩm nông nghiệp và đăng ký, sử dụng thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn về quy trình đóng gói – kết nối – giao nhận sản phẩm khi tham gia các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, kênh phân phối của Bưu điện Việt Nam và Viettel Post.

Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông sản của Thanh Hoá đến với thị trường trong và ngoài nước.

Trong năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm thực hiện 100% hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử được đào tạo, hướng dẫn về kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên môi trường số; đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn theo chỉ tiêu tại Quyết định số 350/QĐ-BTTTT ngày 24/2/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hiệu quả từ việc chuyển đổi số mở thêm nhiều cơ hội mới

Sàn thương mại điện tử với lợi thế bán hàng đa kênh cùng hệ thống quản lý sản phẩm và đơn hàng trên nhiều nền tảng trực tuyến hiện đang là phương thức tiêu thụ hàng hóa hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở ra hướng đi mới bền vững cho các mặt hàng nông sản.

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ thuận lợi hơn.

Theo các chuyên gia chuyển đổi số, thương mại điện tử đang góp phần thúc đẩy xã hội số, kinh tế số. Theo số liệu từ Bộ Công thương, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) trong năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng 20% so với năm trước.

Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á với dân số trẻ và lượng người dùng Internet đông đảo. Theo ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu, chiếm tới gần 74,8% số người sử dụng Internet. Với con số này, Việt Nam là thị trường có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực.

Tại Thanh Hoá, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 112 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia quảng bá và bán hàng nông sản thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Postmart.vn, Voso.vn, ...; 11 hợp tác xã với 70 sản phẩm nông sản tham gia cổng thông tin kết nối cung cầu của Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Các sản phẩm OCOP được tiêu thụ mạnh, tỉnh Thanh Hoá đã đưa 406 sản phẩm của các huyện lên Cổng kết nối cung cầu tỉnh Thanh Hóa; đưa 28 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử “voso.vn”; 38 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử “postmart.vn”; cung cấp trên 40.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của các huyện.

Hầu hết các sản phẩm được lựa chọn đưa lên sàn thương mại điện tử đã đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, GlobalGAP có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Thương hiệu sản phẩm OCOP mắm tôm Lê Gia, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đạt 5 sao
Thương hiệu sản phẩm mắm tôm Lê Gia, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đạt chứng nhận OCOP 5 sao.

Vào đầu tháng 10/2022, trong khuôn khổ các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia tại Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh”, tạo cơ hội để ngành nông nghiệp tìm ra giải pháp đột phá cho chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Qua khảo sát, lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử chiếm từ 20 - 30% doanh số bán hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Sản phẩm mắm tôm thương hiệu Lê Gia trên sàn thương mại điện tử Lazada.vn
Sản phẩm mắm tôm thương hiệu Lê Gia trên sàn thương mại điện tử Lazada.vn.

Hiệu quả từ chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được minh chứng.

Để thực hiện mục tiêu năm 2022, có 100% doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn Thanh Hóa được số hóa; trên 50% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có tài khoản bán hàng, có sản phẩm được quảng bá, giới thiệu và có tài khoản thanh toán trên sàn thương mại điện tử... tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp.

Nhận định về mức tiêu thụ của sản phẩm OCOP của tỉnh trên sàn thương mại điện tử trong thời gian tới, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho hay: Chương trình OCOP đã giúp chất lượng sản được nâng cao, tính hoàn thiện của các sản phẩm cũng được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, quy mô, tổ chức của các doanh nghiệp được hoàn thiện hơn; người nông dân được tiếp cận với nhiều hình thái thị trường khác nhau, nên trình độ sản xuất của họ cũng được nâng lên. Tới đây sẽ có nhiều sản phẩm tiếp tục được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Bài và ảnh: Lê Nam- Hoài Thu