Chỉ thị nêu rõ: Dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; gây áp lực lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những tháng đầu năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn phải tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trong đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng;

Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Dòng người xếp hàng mua vàng vào ngày 15/2 tại một cửa hàng ở Hà Nội
Dòng người xếp hàng mua vàng vào ngày 15/2 tại một cửa hàng ở Hà Nội

Liên quan đến thị trường vàng, Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ: “Khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I năm 2024”.

Ngày 28/12/2023, Thủ tướng ra công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước.

Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Sau chỉ đạo “nóng” của Thủ tướng, cùng thông tin Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường, giá vàng SJC giảm mạnh.

Tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024, ngày 3/1/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nhấn mạnh, thế giới tăng 1 trong nước tăng 3 là không chấp nhận được. Nhà nước cũng không chấp nhận mức chênh lệch về giá giữa vàng miếng SJC với các loại vàng khác đến mấy triệu đồng một lượng.

Phó Thống đốc khẳng định, việc quản lý thị trường vàng miếng là vì quyền lợi của 100 triệu dân Việt Nam, chứ không phải quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Nhà nước không bảo hộ kinh doanh vàng bạc, nhất là vàng miếng.

Trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Hiện, giá vàng trên thị trường đang biến động mạnh. Giá vàng thế giới rơi thẳng đứng, trong khi giá vàng miếng trong nước lại bật tăng trước ngày vía Thần Tài 2024.

Đầu giờ sáng 16/2, giá vàng 9999 của SJC tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết phiên hôm qua, lên mức 79 triệu đồng/lượng (bán ra). Theo đó, giá vàng miếng SJC đang tiến sát đỉnh lịch sử 80,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra được thiết lập vào hôm 27/12 vừa qua.

Thực tế, tháng cuối năm 2023, thị trường vàng trong nước nổi sóng. Giá vàng tăng điên cuồng, đạt đỉnh lịch sử 80,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra sau đó rớt mạnh. Khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được nới rộng. Theo đó, có thời điểm vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 18-20 triệu đồng mỗi lượng.

Những ngày gần đây, giá vàng biến động theo chiều hướng tăng khi ngày vía Thần Tài cận kề.

Phương Thảo(t/h)