Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 11/02 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.120 đồng/lít; Xăng RON 95-III không quá 23.260 đồng/lít; Dầu diesel không quá 20.700 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 20.580 đồng/lít; Dầu mazut không quá 15.590 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm tại kỳ điều hành giá chiều 08/02. Theo đó, giá xăng RON 9-III giảm nhiều nhất, 900 đồng/lít, và giá dầu diesel giảm ít nhất, 290 đồng/lít.
Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2024 đến nay, mặt hàng xăng trải nghiệm điều chỉnh giảm. Trước đó, giá xăng đã tăng liên tục 04 tuần liên tiếp.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ chỉ trích lập quỹ bình ổn đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg; không chi quỹ bình ổn đối với tất cả nhiên liệu còn lại; tiếp tục không trích, chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Giá xăng dầu thế giới
Tình hình xung đột ở Trung Đông là nhân tố chính đẩy giá dầu leo dốc mạnh trong tuần này. Ngay ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng khoảng 1 USD, bởi lo ngại rằng căng thẳng ở Trung Đông và chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine có thể hạn chế nguồn cung toàn cầu.
Liệu một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có thể sớm diễn ra? Câu trả lời cho câu hỏi này được các nhà giao dịch dõi theo chặt chẽ do lo ngại căng thẳng ở khu vực sản xuất dầu sẽ kéo dài nếu câu trả lời là “Không”.
Trong khi Israel và Hamas vẫn chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn, Mỹ vẫn tiếp tục chiến dịch nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen khi lực lượng này liên tục tấn công các tàu vận tải, làm gián đoạn các tuyến giao thương dầu mỏ toàn cầu.
Giá dầu đã duy trì đà tăng nhẹ ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Hạn chế mức tăng trong phiên là dữ liệu tồn kho nhiên liệu của Mỹ trong tuần tính đến ngày 2-2. Số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, tồn kho dầu thô ở Mỹ đã tăng thêm 674.000 thùng, thấp hơn rất nhiều so với dự đoán tăng khoảng 2,1 triệu thùng của các nhà phân tích. Ngược với mức tăng mạnh 3,652 triệu thùng của tồn kho xăng, tồn kho sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm 3,699 triệu thùng.
Đến phiên giao dịch thứ ba của tuần, giá dầu đã xác lập cú hat-trick tăng sau khi leo dốc thêm gần 1 USD. Sự tăng của giá dầu trong phiên này được thúc đẩy bởi tồn kho nhiên liệu của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến và căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Trung Đông.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, tồn kho xăng của Mỹ giảm 3,15 triệu thùng, trong khi các nhà phân tích dự đoán tăng 140.000 thùng. Với mức giảm 3,2 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất giảm sâu gấp hơn 3 lần so với ước tính của các nhà phân tích (giảm 1 triệu thùng). Ngược lại, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 5,5 triệu thùng, cao hơn gấp gần 3 lần so với ước tính của các nhà phân tích (tăng 1,9 triệu thùng).
Giá dầu tăng vọt hơn 3% ở phiên giao dịch thứ tư của tuần, được thúc đẩy bởi lo ngại về cuộc xung đột mở rộng ở Trung Đông sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ chối lời đề nghị ngừng bắn từ Hamas. Phiên giao dịch này cũng chịu tác động bởi động thái mới nhất của Israel: Ném bom thành phố biên giới phía Nam Rafah.
Lo ngại về nguồn cung từ Trung Đông sau khi Israel tiếp tục các cuộc không kích vào dải Gaza một lần nữa hỗ trợ giá dầu tăng ở phiên giao dịch thứ năm của tuần. Trong phiên này, giá dầu tăng khoảng 60 cent, dầu Brent chốt phiên ở mức 82,19 USD/thùng, dầu WTI đóng cửa ở mức 76,84 USD/thùng.
Như vậy, toàn bộ 05 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã luôn ghi nhận mức tăng. Tính cả tuần, giá dầu tăng mạnh gần 6%.
PV (t/h)