Theo Reuters, cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn tăng đều đặn từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 23/3, giá dầu Brent tăng gần 11%, giá dầu WTI tăng nhiều hơn, khoảng 12,5%.
Sự leo dốc của giá dầu trong quý I phần lớn được "góp sức" bởi tình hình căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông cùng sự duy trì cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày của OPEC+ và nguồn cung của Nga bị ảnh hưởng khi các cơ sở lọc dầu của nước này liên tục là mục tiêu tấn công của các máy bay không người lái.
Các nhà phân tích cho biết, sản lượng tại các nhà máy lọc dầu của Nga thực tế giảm tới 14% thay vì chỉ 7% như dự kiến trước đó. Theo JP Morgan, công suất lọc dầu của Nga giảm khoảng 900.000 thùng dầu/ngày.
Theo Dailyfx, giá dầu có thể tiếp tục tăng trong quý II nhưng hành trình leo dốc sẽ không bằng phẳng trong ngắn hạn.
OPEC+ sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng tự nguyện đến tháng 6, thậm chí là hết năm. Điều này sẽ hỗ trợ giá dầu. Theo các nhà phân tích, giá dầu Brent có thể chạm mốc 90 USD/thùng sớm hơn dự kiến trong năm nay.
Lãi suất ở các nước, trong đó có Mỹ và các nước phương Tây, vẫn đang được duy trì ở mức đỉnh. Tuy nhiên, thị trường đang tập trung vào việc Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Lãi suất thấp thường hỗ trợ nhu cầu dầu. Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, giá dầu có thể sẽ leo dốc.
Liên quan đến nguồn cầu, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu đạt 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu chỉ bằng 1 nửa so với dự báo của OPEC, chỉ 1,1 triệu thùng/ngày.
Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu ngày 31/3 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.625 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 24.816 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 20.693 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 20.879 đồng/lít. Dầu mazut không quá 17.145 đồng/kg.
Việt Anh (t/h)