Tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đã nêu các đề xuất sửa đổi đáng chú ý trong lần xây dựng nghị định mới này.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất các doanh nghiệp đầu mối có thể được tự quyết giá bán xăng dầu, nhà nước chỉ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, nội dung nghị định sẽ có nhiều đổi mới vừa mang tính chất đảm bảo mục tiêu cân đối cung cầu xăng dầu, không thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng...
Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Dự thảo Nghị định dự kiến tiến gần hơn với cơ chế thị trường. Nhà nước ban hành công thức giá để doanh nhân tự quyết định giá bán nhưng không cao hơn giá công thức quy định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, dự thảo có nhiều nội dung đổi mới, nhưng phải đảm bảo mục tiêu cân đối được cung cầu xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng và quá trình điều hành phải tiệm cận thị trường nhưng phải có điều tiết của cơ quan Nhà nước.
"Nhà nước có vai trò điều tiết, đưa ra công thức, trên công thức đó doanh nghiệp tự tính toán trên cơ sở các chi phí thực tế để đưa ra mức giá phù hợp nhưng không vượt giá trần", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ.
Về quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng đánh giá thời gian qua, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bộc lộ một số bất cập nên dự thảo lần này đang nghiên cứu đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về mức trích, chi, thời gian trích, chi sử dụng quỹ.
Đề xuất để doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán xăng dầu không phải lần đầu tiên được nêu ra. Trong năm 2023, khi xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, vấn đề này đã được đề cập và có nhiều ý kiến trái chiều. Sau đó, Nghị định 80 năm 2023 ra đời vẫn giữ nguyên quy định như hiện hành là nhà nước định giá bán xăng dầu.
Trao đổi với báo chí, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, đề xuất hướng đến cơ chế tự quyết định giá của doanh nghiệp là bước đi mới, hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ về mặt quản lý, điều hành giá. Tuy nhiên, cần xem xét thấu đáo khi trao quyền quyết định giá bán xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối.
"Tại dự thảo, nhà nước vẫn quy định trong cơ cấu tính giá những yếu tố phần "cứng", còn phần "mềm" như chi phí kinh doanh là doanh nghiệp quyết định, tính toán", ông Long nói và cho rằng phần "cứng" thì đã có quy định, còn phần "mềm" khi trao quyền cho doanh nghiệp thì phải có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng đẩy giá.
Mặt khác, theo PGS-TS Ngô Trí Long, hiện có một số "ông lớn" xăng dầu giữ vị thế thống lĩnh thị trường, nếu để cho họ được quyết định giá bán, liệu họ có tạo ra "luật chơi" hay không và có bảo đảm yếu tố thị trường hay không.
"Như vậy, mục tiêu tạo ra sự cạnh tranh, tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường xăng dầu như cơ quan soạn thảo đề ra có đạt được hay không" - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt vấn đề và bày tỏ lo ngại nếu để doanh nghiệp đầu mối giữ vị thế thống lĩnh thị trường quyết định giá thì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra.
Mặt khác, PGS-TS Ngô Trí Long cũng đặt vấn đề đểdoanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá xăng dầu đã phù hợp với Luật Giá hiện hành hay chưa. Điều này, theo ông, cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, dự thảo nêu nhà nước công bố giá thế giới bình quân 15 ngày đã phù hợp hay chưa, khi thời gian qua chúng ta rút ngắn thời gian điều hành giá từ 30 ngày còn 15 ngày, 10 ngày và gần nhất về 7 ngày, để sát với giá thế giới nhất.
"Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng một dự thảo nghị định hoàn toàn mới, nghĩa là sẽ thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện hành. Do đó, cần đánh giá mặt được, mặt chưa được của việc quản lý, điều hành giá xăng dầu thời gian qua, từ đó đưa ra các đề xuất phù hợp và thay đổi toàn diện, từ các tầng nấc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, cơ chế giá, quỹ bình ổn xăng dầu…", ông Long nói.
Thiên Trường (t/h)