“Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước. Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngút ngàn, sông núi bao nhiêu năm cắt rời. Đây Cửu Long hùng tráng, đây Trường Sơn vinh quang  thúc giục đoàn ta xông pha đi giết thù vai sát vai chung một bóng cờ. Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng, Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng. Thề cứu lấy nước nhà thề hy sinh đến cùng, cầm gươm ôm súng xông tới. Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi dựng xây non nước sáng tươi muôn đời…”.

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Bản hùng ca của khát vọng hòa bình - Hình 1

Xe tăng tiến vào Dinh độc lập Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Ảnh TL

Nguyên nhân ra đời 

Cho đến hôm nay, 44 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bản anh hùng ca “Giải phóng miền Nam” vẫn in đậm trong tâm thức của triệu triệu người dân đất Việt. Mặc dù 44 năm trôi qua, sự biến thiên thăng trầm của lịch sử, nhưng không làm mất đi “sức nóng” của ca khúc, mà ngược lại nó càng khẳng định giá trị văn hóa nghệ thuật của bản hùng ca. Mỗi khi lời ca cất lên, trong huyết quản mỗi người dâng lên niềm tự hào kiêu hãnh về lịch sử dân tộc, về ngày đất nước thống nhất Bắc Nam sum họp một nhà, giang sơn Việt Nam nối liền một dải, người Việt Nam hoàn toàn tự do, nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất.

Dẫu “Giải phóng miền Nam” là khúc ca bất tử sống mãi với thời gian, là lời hiệu triệu kết nối triệu triệu con tim trên mọi miền Tổ quốc, dễ thuộc, dễ nhớ, song không phải ai cũng tường tận ca khúc ấy ra đời như thế nào? Ai là tác giả đích thực của nó?

Vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta ở giai đoạn quyết liệt. Bước ngoặt lịch sử trường kỳ giải phóng miền Nam được đánh dấu bằng sự ra đời “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam”. Để cổ vũ đồng bào miền Bắc làm hậu phương lớn mạnh cho đồng bào miền Nam đánh Mỹ; để khích lệ tinh thần diệt giặc trên chiến trường và tạo nên làn sóng đấu tranh rộng khắp cả nước, sự cần phải có lời hiệu triệu làm sức bật cho tinh thần yêu nước kết đoàn các tầng lớp nhân dân.

Trước yêu cầu đó, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (tức Thượng Vũ) thay mặt Trung ương Cục miền Nam gặp nhóm nhạc Hoàng Mai Lưu (gồm các nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, đồng chí Mai Văn Bộ và ông Huỳnh Văn Tiểng) đưa ra một đề nghị: Nhóm sáng tác một bài hát chính thức của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, với yêu cầu: “Bài hát phải nghiêm trang hùng dũng thể hiện nguyện vọng sâu sắc và khát vọng giải phóng đất nước, đồng thời xây dựng về ước mơ về tương lai huy hoàng của dân tộc Việt Nam độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Trước yêu cầu cách mạng, nhóm “Hoàng Mai Lưu” hăm hở bắt tay vào việc sáng tác lời và nhạc cho bài hát “Giải phóng miền Nam”. Những ca từ đầu tiên thể hiện tinh thần xung trận của đồng bào thành đồng Tổ quốc trước vận mệnh của dân tộc. “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước, diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước…”.

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Bản hùng ca của khát vọng hòa bình - Hình 2

Bộ đội ta trên sông Thạch Hãn giải phóng Quảng Trị. Ảnh TL

Lời hiệu triệu “nội lực” dân tộc

Sau khi ca khúc “Giải phóng miền Nam” được khởi thảo, các tác giả hồ hởi đi hát báo cáo, nhưng các đồng chí Trung ương Cục Miền Nam vẫn chưa ưng ý lắm. Trung ương Cục miền Nam nhận xét: “Bài hát thể hiện được ý tưởng sáng tác, nhưng không thể hiện rõ Thành đồng Tổ quốc của miền Nam Việt Nam, và nhất là chưa thể hiện được toàn bộ chiến trường khốc liệt của miền Nam, Nam Trung bộ và Tây Nam bộ”.

Không nản lòng, các nhà viết nhạc mang về sửa chữa. Lần thứ 2, thứ 3… Cuối cùng, nhiệt huyết của nhóm Hoàng Mai Lưu cũng làm giai điệu hào hùng đầy khí thế căm hờn đấu tranh vệ quốc của dân tộc. Những ca từ “Diệt đế quốc Mỹ , phá tan bè lũ bán nước” đã tạo nên một không khí hừng hực lửa đấu tranh, và “Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngút ngàn, sông núi bao nhiêu năm cắt rời” đã làm sống động hình ảnh đau thương mất mát mà nhân dân cả nước phải gánh chịu để nối liền khúc ruột miền Nam với Tổ quốc Việt Nam. Lời bài hát thể hiện nguyện vọng thống nhất đất nước “Vai sát vai chung một bóng cờ”. Đây Cửu Long hùng tráng, đây Trường Sơn vinh quang luôn luôn sẵn sàng “Cầm gươm ôm súng xông tới” để giữ vẹn lời “Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng”.

Có lẽ không chỉ những người chiến sỹ trực tiếp cầm súng trên chiến trường trong chiến tranh trường chinh của đân tộc, mà nhân dân cả nước hơn lúc nào hết là cống hiến cho Tổ Quốc vì “Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi, nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”. “Giải phóng miền Nam” còn là lời hiệu triệu  đầy nhân đạo của cách mạng Việt Nam, nói lên niềm tin sắt đá và tinh thần lạc quan cách mạng của nhân dân  miền Nam anh hùng.

Sau  khi bài hát ra đời và được Ban Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng và ra mắt các đồng chí lãnh đạo ở sau sân số nhà 48 Nguyễn Du, Hà Nội. Sau đó bài hát được phổ biến rộng rãi mang tính thăm dò tham khảo ý kiến cán bộ chiến sỹ và nhân dân miền Nam. Cuối cùng khắp chiến trường miền Nam và trên thế giới đều biết đến bản hùng ca cách mạng này.

Bài hát “Giải phóng miền Nam” sau nhiều công phu sáng tác, sửa chữa nó đã có sức sống mãnh liệt, trở thành một “Nhạc hiệu” của Chính phủ Cách  mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Có sức mạnh tập hợp đồng bào các tầng lớp nhân dân (cả vùng Mỹ nguỵ tạm chiếm). Kết nối những tấm lòng vì một miền Nam ruột thịt thân yêu.

Sau 44 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối, Bắc Nam xum họp một nhà, “Giải phóng miền Nam” vẫn đọng lại trong triệu triệu trái tim người dân đất Việt. Dù ở đất liền hay biển xa đảo vắng, dù thành thị hay nông thôn, dù miền xuôi hay miền núi, “Giải phóng miền Nam” vẫn được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận không chỉ vì ca từ giản dị chân thành gần gũi, nhớ lâu nhớ sâu như thấm vào gan ruột, mà còn là ca khúc “hâm nóng” tinh thần cách mạng  và trở thành bất tử trong lòng nhân dân mang thông điệp khát vọng hòa bình.

Theo Lê Khanh/baotainguyenmoitruong.vn