Giải quyết nợ đọng XDCB tại Vĩnh Phúc: Các địa phương ráo riết trả nợ - Hình 1

Nhiều địa phương đầu tư xây dựng các công trình nông thôn mới vượt “túi tiền” và khả năng đối ứng là 1 trong những nguyên nhân phát sinh nợ XDCB

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, tháng 1/2017, HĐND huyện Tam Dương đã ban hành Nghị quyết số 26 về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định rõ nguyên tắc lập, bố trí kế hoạch vốn của UBND huyện theo thứ tự ưu tiên để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản và đảm bảo tỷ lệ tối thiểu vốn đầu tư công dành cho lĩnh vực giáo dục theo quy định tại Nghị quyết số 154 của HĐND tỉnh và ưu tiên dành vốn cho các công trình theo mục tiêu, định hướng của huyện. Cùng với đó, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và triển khai dự án theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng.

Huyện cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ban quản lý dự án, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; tổ chức rà soát, tổng hợp tình hình và hướng dẫn xây dựng các phương án xử lý nợ xây dựng cơ bản. Thế nhưng, do còn nhiều khó khăn, bất cập, huyện Tam Dương không những chưa trả xong nợ xây dựng cơ bản mà từ ngày 01/01/2015 đến 31/1/2018 còn để phát sinh thêm nợ hơn 4,4 tỷ đồng. Theo đó, tính đến hết 31/1/2018, toàn huyện còn nợ xây dựng cơ bản xấp xỉ 97,1 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách huyện nợ trên 8,7 tỉ đồng; ngân sách xã nợ 88,3 tỉ đồng. Đặc biệt, số nợ tập trung chủ yếu từ chương trình nông thôn mới, với 37,9 tỉ đồng/97,1 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch Tam Dương cho biết: Việc địa phương chưa xử lý được dứt điểm tình trạng nợ xây dựng cơ bản là do nguồn để trả nợ phụ thuộc chủ yếu vào đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường bất động sản trầm lắng, quỹ đất để tổ chức bán đấu giá không còn nhiều khiến các địa phương gặp khó khăn từ nguồn thu này. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công có nhiều nội dung mới và khó, trong khi các văn bản hướng dẫn vẫn còn nhiều bất cập. Một số chủ đầu tư, các ban quản lý dự án các xã, thị trấn chưa tích cực trong việc lập hồ sơ quyết toán nên nhiều công trình hoàn thành không quyết toán đúng thời gian quy định. Nguồn thu cấp xã hạn hẹp nhưng các địa phương vẫn phải bố trí nguồn đối ứng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Cũng theo ông Sơn, nguyên nhân khiến Tam Dương phát sinh hơn 4,4 tỷ đồng tiền nợ xây dựng cơ bản từ 2015 đến 2018 là do nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình quá lớn trong khi nguồn vốn cho đầu tư công có hạn. Các cơ chế hỗ trợ đầu tư còn thấp so với giá cả thực tế. Một số công trình hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng và đã bố trí vốn hơn 80% khối lượng thực hiện nhưng chủ đầu tư lại yêu cầu nhà thầu hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu quyết toán mới bố trí vốn phần nợ còn lại theo giá trị quyết toán được duyệt.

Để từng bước nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, UBND huyện Tam Dương đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tập trung quản lý chặt chẽ việc đầu tư các công trình; ưu tiên nguồn vốn để trả nợ xây dựng cơ bản. Các chủ đầu tư tích cực quy hoạch các khu đấu giá đất để tạo nguồn trả nợ; đôn đốc các nhà thầu khẩn trương lập hồ sơ quyết toán để thẩm tra, phê duyệt quyết toán nhằm xác định chính xác nợ; hạn chế khởi công mới các công trình khi chưa có nguồn vốn cụ thể. Các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ.

UBND huyện cũng yêu cầu chủ đầu tư các dự án, cơ quan chức năng cần khẩn trương trong quyết toán dự án hoàn thành, cần phân loại dự án thành các nhóm hồ sơ, trong đó ưu tiên những nhóm đủ hồ sơ, đủ căn cứ thẩm tra để triển khai thực hiện trước. Đối với nhóm hồ sơ không có khả năng tập hợp đủ căn cứ trình thẩm tra, chủ đầu tư sớm lập danh sách và tổng hợp báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, đề xuất giải pháp tháo gỡ; triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu ngân sách, tái đầu tư và thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động các nguồn vốn bổ sung từ ngân sách cấp trên để thanh toán cho các dự án hoàn thành; sử dụng nguồn thu từ đấu giá đất để thanh toán nợ xây dựng cơ bản.

Với 29 xã, thị trấn, Vĩnh Tường hiện đang là địa phương dẫn đầu tỉnh về nợ đọng xây dựng cơ bản từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường cho biết: Trong số 26 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Tường có 11 xã được công nhận đạt chuẩn, 8 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nhưng chưa được công nhận đạt chuẩn và 7 xã đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Do trong quá trình triển khai, thực hiện, các địa phương đều gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư nên tiến độ triển khai, xây dựng một số công trình còn chậm và nợ đọng xây dựng cơ bản từ chương trình này xảy ra ở hầu hết các địa phương. Đến hết 31/3/2018, ngoài xã Bình Dương đã hoàn thành việc trả nợ, Vĩnh Tường còn 25/26 xã có nợ xây dựng cơ bản là 295,7 tỉ đồng.

Để xử lý nợ xây dựng cơ bản, thực hiện Chỉ thị số 13 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý vốn đầu tư ngân sách Nhà nước và chống nợ đọng xây dựng cơ bản, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Tường đã ban hành Nghị quyết số 05 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; thành lập Ban chỉ đạo, yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban chuyên môn tiến hành rà soát toàn bộ các công trình, dự án. Đồng thời huy động các nguồn lực cho trả nợ. Dự kiến trong 2 năm 2018, 2019, ngoài hơn 65,1 tỉ đồng tiền đề nghị ngân sách tỉnh cấp theo nghị quyết và huy động từ nhân dân, các địa phương sẽ thu được khoảng 486,5 tỉ đồng từ đấu giá đất. Trong đó, dành khoảng 230,5 tỉ đồng trả nợ xây dựng cơ bản. Việc trả nợ sẽ được thực hiện theo từng quý, từng năm, với số tiền cụ thể.

Tương tự như huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, thời gian qua, huyện Sông Lô cũng tăng cường chỉ đạo các địa phương hoàn thành trả nợ xây dựng cơ bản để để có thêm xã đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2019.

Theo báo cáo của UBND huyện Sông Lô, đến nay, toàn huyện còn nợ xây dựng cơ bản 188 tỉ đồng, trong đó, cấp tỉnh gần 22 tỉ đồng, cấp huyện khoảng 20 tỉ đồng, cấp xã nợ trên 146 tỉ đồng. Để không để phát sinh số nợ mới, thời gian qua, Sông Lô đã tập trung triển khai các dự án theo đúng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; tăng cường công tác quản lý, ưu tiên vốn cho các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp, hạn chế tối đa việc đầu tư dự án mới; rà soát, cho dừng các dự án chưa thực sự cấp bách hoặc không giải phóng được mặt bằng, các dự án không có khả năng bố trí vốn. Đồng thời, chỉ đạo các xã cân đối các nguồn vốn ưu tiên cho các dự án đã quyết toán, các dự án đã có khối lượng theo đúng cơ chế của HĐND tỉnh; khẩn trương xây dựng và hoàn thành các khu đất đấu giá, đất tái định cư, đất giãn dân, đất dịch vụ để đấu giá tạo nguồn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Riêng đối với việc trả nợ, UBND huyện Sông Lô đã thường xuyên rà soát, phân loại, đánh giá thực trạng tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản; chỉ đạo chính quyền các địa phương lập phương án xác định các vị trí đất có thể tổ chức đấu giá nhằm chủ động tăng nguồn thu cho ngân sách cấp xã phục vụ các dự án xây dựng nông thôn mới; đôn đốc các khoản thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất cùng các khoản thuế, phí khác. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn khẩn trương đề ra lộ trình đầu tư xây dựng cơ bản phù hợp với khả năng huy động nguồn lực để bố trí đủ vốn đối ứng, tránh kéo dài tình trạng nhà thầu ứng vốn thi công gây phát sinh nợ đọng. Đối với các xã, thị trấn có tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản cao, UBND huyện kiên quyết không phê duyệt khởi công những công trình mới nếu chưa giải trình cụ thể được nguồn vốn cần thiết; xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán các dự án đã hoàn thành; xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành.

(Còn nữa)

Thanh Nga