Theo Giám đốc ADB tại Việt Nam, "mức tăng trưởng GDP trong quý vừa qua là minh chứng cho khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và là một trong những mức tăng trưởng tốt nhất trong khu vực".

Ảnh minh họa, nguồn internet.
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Đề cập tới thách thức và rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024, ông Shantanu Chakraborty cho rằng, thách thức từ bên ngoài đến từ sự thiếu ổn định trên thị trường toàn cầu do các xung đột ở Ukraine và Trung Đông.

Các thách thức này đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể gây áp lực lên tiền đồng Việt Nam (VND) trong thời gian tới.

Đối với các thách thức từ trong nước, Việt Nam cần phải tăng cường tiêu dùng kết hợp với chính sách tài khóa để tăng cung tiền mặt trong lưu thông. Trong khu vực, hầu hết các quốc gia giữ vững đà tăng trưởng tốt đều là những quốc gia có thị trường nội địa rất phát triển và mức tiêu thụ nội địa rất cao. Ấn Độ và Indonesia là điển hình giữ vững tăng trưởng tốt với động lực từ thị trường nội địa.

Giám đốc ADB khuyến nghị, Việt Nam cần bảo đảm đầu tư công đi đúng hướng. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu là giải ngân 95% trong số hơn 27 tỷ USD đầu tư công vào năm 2024. Mục tiêu này rất tham vọng nhưng rất cần thiết.

"Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và kiên cường trong các lĩnh vực như điện, đường bộ và hậu cần để có thể tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do vậy, Việt Nam cần cải thiện môi trường pháp lý và thực hiện cải cách chính sách cần thiết để bảo đảm giải ngân nhanh chóng", ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty - Ảnh: VGP/Quang Thương
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty. Ảnh VGP/Quang Thương.

Theo Giám đốc ADB, động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong những tháng tiếp theo của năm nay sẽ vẫn là dịch vụ, sản xuất, FDI và tiêu dùng.

Khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Theo báo cáo du lịch mới nhất, khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3,2% so với cùng kỳ 2019 - năm hoàng kim của ngành du lịch Việt.

Cùng với du lịch, rất nhiều dịch vụ phụ trợ cũng đang cho thấy các dấu hiệu tác động tích cực và đang có sự tăng trưởng tốt.

Trong các tháng tới, sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn sẽ là trụ cột tăng trưởng của Việt Nam. Bất chấp mọi thách thức, nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá ổn định ở mức 3,8% do nhu cầu đối với các sản phầm nông nghiệp gia tăng trên toàn cầu cũng như việc Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại quan trọng.

Bên cạnh đó, FDI giữ vai trò rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam cần duy trì động lực thu hút FDI.

Ảnh internet.
Giám đốc ADB: Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam là dịch vụ, sản xuất, FDI và tiêu dùng. Ảnh internet.

Bên cạnh việc thu hút FDI nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, ADB khuyến nghị, Việt Nam thu hút nhiều FDI chất lượng hơn vào cơ sở hạ tầng, với các lĩnh vực cụ thể như năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, các khu kinh tế, hậu cần và kết nối đường bộ.

Đối với việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước, Việt Nam cần thực hiện chính sách tài khóa thận trọng để có thể thúc đẩy tiêu dùng, thông qua hiệu ứng lan tỏa của đầu tư công hoặc thông qua các biện pháp khuyến khích khác như gia hạn giảm thuế VAT, hoặc tăng cường các biện pháp an sinh xã hội, Giám đốc ADB khuyến nghị.

Chia sẻ quan điểm về nhận định của Thủ tướng nói Việt Nam thu hút FDI chọn lọc, ưu tiên vốn vào dự án công nghệ cao, bán dẫn, AI, nhưng "không chấp nhận tăng trưởng trước, dọn dẹp sau" tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2024), ông Shantanu Chakraborty cho rằng, điều này là rất thận trọng và ADB hoàn toàn ủng hộ phát biểu của Thủ tướng.

"Việt Nam là quốc gia rất dễ bị tổn thương bởi khí hậu, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta không thể theo đuổi tăng trưởng bằng cái giá phải trả là môi trường. Phát triển trước, dọn dẹp sau về cơ bản có nghĩa là phát triển bằng mọi cách, giải quyết nghèo đói nhưng phải trả giá bằng suy thoái môi trường. Chủ trương của Thủ tướng nhất quán với ưu tiên chiến lược của ADB tại Việt Nam là tập trung vào tăng trưởng xanh", ông Shantanu Chakraborty chia sẻ.

PV/chinhphu.vn