Ảnh internet.
Động lực tăng trưởng kinh tế là khơi thông các FTA, gỡ bỏ các rào cản, lưu ý các rủi ro. Ảnh internet.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: "Có hai yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam là tổng cung và tổng cầu.

Xét về tổng cầu, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 3 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu đã tăng 17% so với cùng kỳ được hỗ trợ bởi chính mặt hàng công nghiệp. Dự kiến năm 2024 xuất khẩu tăng trưởng khoảng 11%-12%."

Một yếu tố đáng chú ý khác là giải ngân vốn đầu tư FDI cũng có xu hướng tăng. 3 tháng đầu năm 2024 đạt 4,63 tỷ USD tăng 7,1% mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Đây sẽ là một cú huých quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 

Đầu tư công cũng là yếu tố đáng chú ý, 3 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy đà tăng trưởng trên 22%. năm 2024 được kỳ vọng là năm tăng tốc giải ngân đầu tư công. 

Ông Tú Anh đánh giá, bối cảnh bên ngoài có 1 số yếu tố thuận lợi để có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của quý I/2024. Lãi suất điều hành của các Ngân hàng Trung ương sẽ không tăng và có nhiều khả năng giảm trong năm 2024. 

"Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới". Ảnh tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sự sút giảm giá đầu vào trên thị trường quốc tế là yếu tố thuận lợi cho những nước đầu vào quá trình sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu nhu Việt Nam.

Ông Nguyễn Tú Anh nêu quan điểm, bên cạnh những yếu tố thuận lợi vẫn còn tồn tại những điểm khó khăn. Cụ thể, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn gặp khó do thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa trở thành kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thị trường bất động sản vẫn chưa có sự khởi sắc. Cả hai yếu tố này sẽ tác động đến khả năng cung ứng của nền kinh tế và cần tập trung để khơi thông trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, ông Tú Anh đánh giá, Việt Nam cần lưu ý đến một số yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, các rủi ro địa chính trị như bùng nổ căng thẳng tại Trung Đông sẽ làm giá dầu, việc đóng cửa biển Đỏ do chiến sự sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, chiến sự Nga –Ukraine có thể lan rộng ngoài tầm kiểm soát sẽ dẫn đến tổn hại đến dòng chảy thương mại.

Mặt khác, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn đang ngày càng sâu sắc làm ảnh hưởng tiêu cực đến các dòng vốn và thương mại. Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được khơi thông, gần 300 nghìn tỷ đến hạn trong năm 2024 có thể tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản không được khơi thông sẽ trở thành điểm nghẽn lớn.

Hiện yếu tố thuận lợi còn rất lớn nhưng vẫn còn khó khăn trong nội tại và rủi ro. Tuy nhiên, ông Tú Anh cho biết, nếu các yếu tố thuận lợi được tận dụng tối đa, hạn chế khó khăn và các rủi ro được nhận kiểm soát chặt chẽ, cùng với quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ, dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% có thể đạt được.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội. Ảnh: VGP
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội. Ảnh VGP.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế phân tích: "Chúng ta đã ký kết 16 FTA vừa với tư cách thành viên ASEAN vừa với tư cách một bên độc lập, quy mô xuất nhập khẩu ngày càng mở rộng, độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế, tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới…"

Mặc dù những cơ hội mà các FTA là rất lớn, tuy nhiên ông Trịnh Minh Anh cho rằng, cần nhận diện được những rủi ro và thách thức.

Cụ thể, rủi ro thách thức nhất là về năng lực cạnh tranh, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như vấn đề lao động, công đoàn, môi trường...

Ông Trịnh Minh Anh cho biết, năm 2024 được dự báo là khu vực và thế giới sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, biến động khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhiều thị trường ngày càng đề cao những tiêu chuẩn hàng hóa liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Để thực thi hiệu quả FTA, theo ông Trịnh Minh Anh, cần chiến lược, chủ động, đổi mới mạnh mẽ. Nên có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi các FTA đã có hiệu lực trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế...

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme thống kê những khó khăn doanh nghiệp gặp phải, đứng đầu là thiếu đơn hàng (52%), khó tiếp cận vốn (32%), thủ tục hành chính còn rườm rà (25%), lo ngại hình sự hoá trong hoạt động kinh tế (9%)…

Ảnh tạp chí điện tử Lý luận Chính trị.
Động lực tăng trưởng kinh tế là khơi thông các FTA, gỡ bỏ các rào cản, lưu ý các rủi ro. Ảnh tạp chí điện tử Lý luận Chính trị.

Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thiết thực và hiệu quả với phương châm phục vụ doanh nghiệp, giảm các chi phí mặt hàng thiết...

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề nợ đọng trong ngành xây dựng. Đó là cần thiết lập một cơ chế chặt chẽ giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Ông cho rằng, cơ chế đơn giá định mức Nhà nước hiện nay đã lạc hậu và gây ra những bất cập, tạo nên tình trạng thị trường hai giá. Do đó, việc hình thành đơn giá tổng hợp, tương tự như các nước tiên tiến nhằm giải quyết những hạn chế trên là vô cùng quan trọng. 

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhận định: "Thời gian qua, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư, tuy nhiên chúng ta chưa có được doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để bắt tay và đồng hành, tạo sự lan tỏa của nguồn vốn."

Vì vậy, hợp tác các doanh nghiệp trong nước cùng với sự hỗ trợ từ chính sách của cơ quan quản lý góp phần nâng cao năng lực để các doanh nghiệp trong nước trở thành những doanh nghiệp lớn có khả năng song hành với nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó chúng ta mới có thể tiếp cận công nghệ cũng như biến những lợi thế của đầu tư nước ngoài thành lợi thế của mình. Đây là việc cần thiết để tạo ra một nền kinh tế độc lập tự chủ. 

Theo Tiên sỹ Hoàng Văn Cường, thể chế có vai trò rất quan trọng nên cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách để tạo thay đổi; trong đó, cần đổi mới cơ chế quản lý cho các doanh nghiệp Nhà nước.

"Doanh nghiệp không nên quá trông chờ vào nguồn vốn với lãi suất thấp. Việc tiếp cận vốn thông qua thị trường trái phiếu rất quan trọng và thị trường này cần được cải cách đổi mới. Theo đó, không nên quá thắt chặt, cũng không nên quá nới lỏng. Điều này sẽ hỗ trợ rất tốt nguồn lực cho doanh nghiệp", Tiến sỹ Hoàng Văn Cường đưa ra khuyến cáo.

Hải Dương (t/h)