Nhằm siết chặt quản lý từ những tác động xấu đến thương hiệu hàng hoá của Việt Nam cũng như hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương đang đề xuất xây dựng Nghị định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Một số doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức cấp C/O tạo sự thông thoáng trong khâu kiểm tra hồ sơ trước khi xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lậnMột số doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức cấp C/O tạo sự thông thoáng trong khâu kiểm tra hồ sơ trước khi xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lận

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian gần đây hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa bắt đầu gia tăng và phức tạp hơn nhiều.

Đáng lưu ý, trong danh sách hàng loạt các mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ có nhiều mặt hàng nằm trong diện xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Không những thế, đã có nhiều trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn, ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì, sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa bị bóc nhãn và thay nhãn mới ghi "Made in Vietnam" hoặc, "xuất xứ Việt Nam".

Ngoài ra, nhiều thương nhân nước ngoài lợi dụng doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển quá cảnh; tạm nhập tái xuất để trung chuyển hàng hóa, sau đó thương nhân nước ngoài làm giả C/O Việt Nam để gian lận xuất xứ hàng hóa.

Nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Đáng lưu ý, vi phạm chủ yếu là gian lận về xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu.

Qua rà soát của Bộ Công thương, hiện chưa có văn bản qui phạm pháp luật quy định các tiêu chí và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp xác định và thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa là "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam".

Hiện nay, nhu cầu thể hiện xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa theo thông lệ quốc tế mới rất cấp thiết. Sự hình thành các chuỗi cung ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong đó có thể có nhiều nước cùng tham gia sản xuất một sản phẩm, đã và đang tạo ra những thay đổi trong cách ghi xuất xứ, nguồn gốc của hàng hóa.

Do đó, bên cạnh những cách ghi truyền thống như "Sản phẩm của...", "Sản xuất tại...", đã xuất hiện những cách ghi khác thể hiện chính xác hơn nguồn gốc của sản phẩm như "Lắp ráp tại (quốc gia, vùng lãnh thổ)" hay "Chế tạo bởi tên công ty, tập đoàn"...

Bởi vậy, Bộ Công Thương đã có Tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định "Sản xuất tại Việt Nam".

Để giải quyết những vấn đề bất cập trong thực tế, dự kiến Nghị định sẽ qui định đối với một số nội dung như tiêu chí để xác định một hàng hóa là "Sản phẩm của Việt Nam" hoặc "Sản xuất tại Việt Nam".

Phương thức thể hiện nội dung này trên hàng hóa, bao bì hàng hóa tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong một vài cụm từ để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Riêng với trường hợp không chắc chắn về xuất xứ Việt Nam, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn thể hiện nguồn gốc hàng hóa theo cách khác trên nhãn hàng hóa.

Bảo Lâm