Giá trị giao dịch trung bình của VN-Index và các nhóm vốn hóa lớn và vừa được duy trì. Nhóm nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng và luân chuyển dòng tiền trên nhiều nhóm ngành.
Theo đó, VN-Index đã kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ 1.160 - 1.170 điểm và có diễn biến “rút chân”, không giảm sâu. Điều này cùng với giá trị giao dịch gia tăng cho thấy, dòng tiền tiếp tục ở lại thị trường, nhưng có sự phân hóa mạnh mẽ. Nhóm ngân hàng vốn có sức tăng mạnh trong những phiên đầu tháng 1 nay chịu áp lực bán lớn theo tuần và là nhóm có tác động giảm mạnh nhất đến VN-Index. Ngược lại, hóa chất, ô tô - phụ tùng, hàng - dịch vụ công nghiệp là những nhóm tăng mạnh trong tuần.
Với tình hình thị trường vẫn tích cực, VN-Index được kỳ vọng chưa kết thúc xu hướng tăng ngắn hạn. Tuy vậy, do giai đoạn thị trường gần kỳ nghỉ Tết Âm lịch dài ngày, nhà đầu tư được khuyến nghị cẩn trọng với khả năng thị trường tiếp tục giằng co.
Tính đến thời điểm hiện tại, có gần 1.000 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023, chiếm hơn 95% giá trị vốn hóa của toàn thị trường. Thống kê cho thấy, kết quả kinh doanh quý cuối năm 2023 của các doanh nghiệp có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2022, cũng như so với quý liền trước. Nguyên nhân đến từ mức nền thấp của kết quả kinh doanh quý IV/2022, gần như chạm đáy về mặt tăng trưởng kể từ năm 2020. Một nguyên nhân khác là nhờ sự phục hồi tốt của nền kinh tế.
Lợi nhuận của khối doanh nghiệp phi tài chính có phần vượt trội so với các doanh nghiệp khối tài chính. Bởi lẽ, các doanh nghiệp khối phi tài chính chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trong giai đoạn khó khăn trước đó, dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ hơn. Nhìn lại nhiều quý, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phi tài chính có xu hướng biến động mạnh hơn (theo cả 2 chiều) so với các doanh nghiệp tài chính.
Mặc dù mặt bằng kết quả kinh doanh toàn thị trường được cải thiện trong quý IV/2023, nhưng có sự phân hóa tương đối rõ ràng giữa các phân ngành. Cụ thể, sự tăng trưởng hay phục hồi chủ yếu được thể hiện ở nhóm ngân hàng, thép, chứng khoán, viễn thông, thực phẩm, du lịch. Trong khi đó, nhóm bất động sản, tiện ích, dịch vụ công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thoát khỏi xu hướng suy thoái.
Đáng chú ý, vật liệu xây dựng là nhóm đạt được sự tăng trưởng liên tục qua các quý. Giai đoạn cuối năm 2022, nhu cầu yếu từ thị trường bất động sản khiến hầu hết doanh nghiệp trong ngành ghi nhận lợi nhuận sụt giảm, hoặc thua lỗ. Sang năm 2023, xu hướng đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ đã phần nào giúp phục hồi nhu cầu vật liệu xây dựng, từ đó hỗ trợ cho sự phục hồi của ngành.
Nhóm bất động sản, chiếm khoảng 14% vốn hóa toàn thị trường, tiếp tục ghi nhận suy giảm về mặt lợi nhuận trong quý IV/2023. Tuy nhiên, mức giảm tương đối ít so với quý liền trước, nhờ sự phục hồi nhẹ của thị trường, bắt đầu từ phân khúc trung và thấp cấp.
Nhìn chung, diễn biến khả quan của kinh tế vĩ mô trong giai đoạn cuối năm 2023 đã tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Về triển vọng, nhóm ngành ngân hàng và vật liệu xây dựng có thể duy trì đà phục hồi trong giai đoạn đầu năm 2024. Đối với ngành ngân hàng, động lực có thể đến từ việc cải thiện chi phí vốn và chính sách về “room” tín dụng được giao ngay từ đầu năm, giúp các nhà băng linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh.
Về nhóm vật liệu xây dựng, việc Chính phủ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng có thể hỗ trợ nhu cầu của ngành, cũng như sự phục hồi nhẹ của ngành bất động sản sẽ là chất xúc tác đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong thời gian tới.
Hà Trần(t/h)