Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Giành lại quyền kiểm soát phần phía nam FIR Hồ Chí Minh: Khẳng định chủ quyền của Tổ quốc

Vùng thông báo bay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của mỗi quốc gia. Bởi lẽ, nó được ví như là “phên dậu, bờ cõi” của quốc gia trên không và trên biển, là sự kiểm soát có ý nghĩa to lớn đối với an ninh và vùng trời, ngăn ngừa từ xa các hoạt động đe dọa đến an ninh quốc phòng và chủ quyền của Việt Nam.

Cuộc đấu tranh đầy cam go

Vùng thông báo bay (Flight Information Region - gọi tắt là FIR) là vùng trời có kích thước xác định mà Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (gọi tắt là ICAO) giao cho các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm trước Cộng đồng Hàng không dân dụng quốc tế về cung cấp các dịch vụ thông báo bay và báo động.

Ranh giới FIR được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan tại các hội nghị không vận khu vực (RAN) và do Hội đồng ICAO phê chuẩn.

Tháng 4/1975, đứng trước sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn, lo ngại trước sự bế tắc giao lưu hàng không trong khu vực khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, ICAO đã vạch ra một kế hoạch không vận lâm thời, gồm: Thiết lập các đường bay giải trợ trên biển Đông; phân chia phần công hải trên biển Đông thuộc FIR Sài Gòn thành 3 vùng trách nhiệm lâm thời, giao 3 trung tâm kiểm soát đường dài Băng Cốc, Singapore và Hồng Kông điều hành; phần còn lại của FIR Sài Gòn, do Trung tâm Kiểm soát đường dài HCM đảm nhiệm.

Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1977, Nhà nước ta đã có chủ trương đấu tranh giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn vùng thông báo bay HCM.

Giành lại quyền kiểm soát phần phía nam FIR Hồ Chí Minh: Khẳng định chủ quyền của Tổ quốc - Hình 1

Bản đồ vùng thông báo bay Hà Nội - Hồ Chí Minh

Năm 1980, Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, Trần Mạnh dẫn đầu phái đoàn Việt Nam lần đầu tiên tham dự kỳ họp Đại hội đồng ICAO lần thứ 23. Tại kỳ họp này, ICAO ủng hộ việc giao lại quyền quản lý FIR HCM cho Việt Nam và cam kết giúp ngành hàng không dân dụng Việt Nam nâng cấp hạ tầng cơ sở kỹ thuật, đào tạo nhân viên kỹ thuật, quản lý hàng không.

Năm 1982, Chính phủ Việt Nam ký với UNDP/ICAO Đề án “Khôi phục các vùng thông báo bay HCM, Hà Nội và phát triển hàng không dân dụng Việt Nam” - tập trung vào biên soạn các tài liệu khai thác các trung tâm kiểm soát không lưu, trung tâm thông tin hàng không theo đúng quy tắc quốc tế.

Năm 1983, Hội nghị không vận khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai (RAN-2) họp tại Singapore. Vì lợi ích kinh tế, một số nước trong khu vực có ý đồ đòi xóa bỏ vùng trách nhiệm tạm thời của ICAO phân chia trên biển Đông thuộc FIR HCM, đồng thời đòi chính thức giao lại cho một số nước đang quản lý. Một số nước đã đề xuất sáp nhập một phần lớn FIR HCM vào FIR của họ và FIR Hà Nội. Như vậy, FIR HCM có nguy cơ mất một phần lớn vùng công hải trên biển Đông.

Trước thực trạng bất lợi này, để có thêm thời gian cho Việt Nam chuẩn bị, Đảng và Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Đoàn đại biểu hàng không dân dụng Việt Nam tại Diễn đàn Hội nghị RAN-2 khéo léo, kiên quyết đấu tranh nhằm giữ nguyên trạng các vùng trách nhiệm lâm thời mà ICAO đã xác lập vào tháng 4/1975.

Cuối cùng, các yêu cầu của Đoàn Việt Nam đã được Hội nghị chấp thuận. Đây là một thắng lợi lớn của Việt Nam. Sau Hội nghị RAN-2, Việt Nam có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn, tiếp tục cuộc đấu tranh giành lại quyền điều hành FIR HCM với những thời cơ và thách thức mới.

Đầu tư toàn diện để giành quyền quản lý, điều hành bay FIR HCM

Ðánh giá được ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, ngày 4/1/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị 05/CT về “Những nhiệm vụ cấp bách để giành lại quyền điều hành FIR HCM”.

Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đã chỉ đạo Công ty Quản lý bay (tiền thân của Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam) và các đơn vị thuộc Cục thực hiện 2 nhiệm vụ đó là: Quản lý và  bảo đảm điều hành bay trong nước an toàn; tập trung sức lực, trí tuệ trong thời gian ngắn nhất tiếp nhận lại FIR HCM.

Sau một thời gian tập trung đầu tư nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, năm 1993, Quản lý bay Việt Nam đã hiện đại hóa Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hà Nội; Trung tâm Kiểm soát tiếp cận tại Đà Nẵng; khánh thành và đưa vào khai thác Trung tâm Kiểm soát đường dài, tiếp cận HCM; lắp đặt 5 trạm ra đa giám sát hàng không hiện đại nhất trên thế giới lúc bấy giờ tại Tân Sơn Nhất, Sơn Trà, Vũng Chua...; lắp đặt và đưa vào khai thác 3 đài dẫn đường DVOR/DME tại Tân Sơn Nhất, Phan Thiết, Phù Cát.

Giành lại quyền kiểm soát phần phía nam FIR Hồ Chí Minh: Khẳng định chủ quyền của Tổ quốc - Hình 2

Trạm Radar Sơn Trà 2

Tại Hội nghị RAN3, diễn ra tại Băng Cốc năm 1993, Đoàn Việt Nam đã tuyên bố 6 lĩnh vực ICAO yêu cầu Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ và đạt chất lượng cao. Trước tinh thần đấu tranh kiên trì và mềm dẻo thuyết phục, vừa giữ vững lập trường nguyên tắc, vừa tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế của Việt Nam, cuối cùng, Hội nghị RAN-3 đã nhất trí và ra Nghị quyết trình Hội đồng ICAO phê chuẩn ngày 24/11/1993: “Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận và điều hành phần phía Nam FIR HCM sau 1 năm kể từ khi có phê chuẩn của Hội đồng ICAO”.

Tiếp sau Hội nghị RAN-3, ngành hàng không dân dụng Việt Nam tiếp tục tập trung chuẩn bị mọi mặt để chính thức tiếp nhận phần phía nam FIR HCM. Qua đợt kiểm tra đánh giá cuối cùng tại Trung tâm Kiểm soát đường dài HCM vào tháng 9/1994, ICAO đã khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện và khả năng để tiếp nhận quản lý điều hành phần phía nam FIR HCM.  

Ngày 7/12/1994, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày ký Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ICAO và tiếp nhận quyền quản lý và điều hành phần phía nam FIR HCM. Đúng 0 giờ quốc tế ngày 8/12/1994, Trung tâm Kiểm soát đường dài HCM chính thức điều hành, kiểm soát, cung cấp các dịch vụ không lưu cho toàn bộ hoạt động bay dân dụng trong phần phía nam FIR HCM.

Như vậy, sau hơn 18 năm liên tục đấu tranh bền bỉ, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, trực tiếp là lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Hàng không, ngành quản lý bay đã có những bước đi đúng, phương pháp đúng, linh hoạt khéo léo, sáng tạo và đã hoàn thành trọng trách lịch sử quan trọng trong việc giành quyền kiểm soát phần phía nam vùng thông báo bay HCM.

Ngày 8/12/1994, đã đi vào lịch sử ngành hàng không nói chung và ngành quản lý bay nói riêng - đánh dấu một mốc son cực kỳ quan trọng trên phương diện kinh tế, kỹ thuật, an ninh quốc phòng và chính trị - xã hội của Việt Nam.

TCT Quản lý bay Việt Nam đổi mới, phát triển toàn diện

Từ thắng lợi của việc giành lại quyền điều hành phần phía nam Vùng thông báo bay HCM năm 1994, đã mở ra một thời kỳ hội nhập sâu rộng về quản lý không vận trong khu vực và thế giới.

Nếu như năm 1993, TCT Quản lý bay Việt Nam cung cấp dịch vụ điều hành bay cho 13 đường bay trong vùng trách nhiệm; đến nay, TCT đã và đang trực tiếp cung cấp các dịch cho 31 đường bay quốc nội và 36 đường bay quốc tế, trong vùng thông báo bay rộng 1,2 triệu km vuông.

25 năm qua, TCT điều hành bay tuyệt đối an toàn cho gần 9 triệu chuyến bay trong vùng trách nhiệm; Tổng thu điều hành bay đạt gần 48.000 tỷ đồng; nộp NSNN đạt trên 25.000 tỷ đồng, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan quốc phòng giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.

Giành lại quyền kiểm soát phần phía nam FIR Hồ Chí Minh: Khẳng định chủ quyền của Tổ quốc - Hình 3

Đài kiểm soát không lưu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Hiện nay, TCT luôn được xem là đơn vị đi đầu của ngành hàng không Việt Nam trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ KH-KT để nâng cao chất lượng dịch vụ điều hành bay, đáp ứng được yêu cầu của phương thức quản lý không lưu mới mà ICAO đề ra. Thực hiện chương trình đổi mới công nghệ, TCT đã  đầu tư xây dựng hàng trăm dự án với tổng chi phí hàng nghìn tỷ đồng, nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị quản lý, điều hành bay.

Từ năm 1994 đến nay, nhiều dự án lớn trọng điểm được đầu tư đặc biệt như 2 trung tâm kiểm soát không lưu tiên tiến, hiện đại. Năm 2006, TCT đưa vào khai thác Trung tâm Điều hành bay đường dài, tiếp cận HCM và năm 2015, khánh thành Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội. Đây là các dự án tiêu biểu của ngành GTVT với quy mô, công năng hiện đại ngang tầm khu vực. Qua đó, tạo bước ngoặt trong công tác đầu tư, đổi mới công nghệ điều hành bay, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao tại Việt Nam.  

Hiện nay, TCT đã tổ chức đầu tư và khai thác 2 trung tâm kiểm soát đường dài, 3 trung tâm kiểm soát tiếp cận, 22 đài kiểm soát tại sân, 9 trạm ra đa giám sát, hàng chục đài dẫn đường và trạm liên lạc VHF đất đối không, 12 hệ thống giám sát ADS-B đều đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng theo quy định của ICAO.

TGĐ TCT Quản lý bay Việt Nam, Đoàn Hữu Gia cho biết, trong quá trình đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ, TCT luôn chú trọng phát huy nhân tố nội lực, với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đến nay, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu của TCT đã làm chủ công nghệ quản lý bay tiên tiến hiện đại, tổ chức khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật.

Ngoài ra, TCT đã sản xuất được những sản phẩm đặc thù của ngành như giàn phản xạ DVOR/DME, phòng đặt thiết bị (Shelter), chế tạo thành công hệ thống đèn phụ trợ dẫn đường sân bay, sản xuất phần mềm đầu cuối mạng viễn thông cố định hàng không, phần mềm đồng hồ thời gian chuẩn, phần mềm AMHS; tự thực hiện dịch vụ bay kiểm tra hiệu chuẩn thiết bị giám sát dẫn đường hàng không…

Các sản phẩm của TCT sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu lắp đặt, thay thế trang thiết bị tại các cơ sở điều hành bay trong nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Kể từ mốc son lịch sử ngày 8/12/1994, trải qua 25 năm, TCT Quản lý bay Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, khẳng định được vai trò và vị thế của ngành Quản lý bay Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được, TCT vừa phải nắm bắt những cơ hội, vừa phải đối mặt với những thách thức để đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập thực sự và toàn diện với các nước trên thế giới, xây dựng ngành hàng không nói chung và ngành quản lý bay nói riêng ngày càng vững mạnh.

Quyết tâm xây dựng TCT Quản lý bay Việt Nam trở thành “một trong những nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.

 Ngọc Linh

Tin mới

Đề nghị xử lý người tạo trend ‘ra khơi tìm kho báu’
Đề nghị xử lý người tạo trend ‘ra khơi tìm kho báu’

Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh), người bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan vừa có đơn đề nghị xử lý hành vi vi phạm Luật An ninh mạng liên quan đến người tạo trend ‘ra khơi tìm kho báu’.

Cần đầu tư công viên, vườn dạo tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang
Cần đầu tư công viên, vườn dạo tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang

Các địa phương kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng cần có chủ trương về liên doanh, liên kết hoặc xã hội hóa trong hoạt động quản lý, duy trì, bảo dưỡng công viên, vườn dạo. Đồng thời, Thành phố hỗ trợ đầu tư nâng cấp, bổ sung thêm cơ sở vật chất, đặc biệt là thiết bị, dụng cụ thể dục - thể thao để phục vụ nhu cầu người dân.

TP. Hồ Chí Minh triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả lớn
TP. Hồ Chí Minh triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả lớn

Cơ quan Công an quận 10, TP. Hồ Chí Minh vừa triệt phá thành công đường dây “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, thu giữ hàng 100.000 sản phẩm thuốc giả.

Giữa tháng 4/2024, xuất khẩu tăng thêm 15 tỷ USD
Giữa tháng 4/2024, xuất khẩu tăng thêm 15 tỷ USD

Tính từ đầu năm đến 15/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt xấp xỉ 209 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng thêm 15 tỷ USD.

Cà Mau tăng cường thực hiện phòng, chống gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
Cà Mau tăng cường thực hiện phòng, chống gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế; Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường thực hiện phòng, chống gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Long An triển khai Đề án Thí điểm hỗ trợ đầu tư đường giao thông trục ấp, liên ấp
Long An triển khai Đề án Thí điểm hỗ trợ đầu tư đường giao thông trục ấp, liên ấp

UBND tỉnh Long An đã ký quyết định ban hành Đề án Thí điểm hỗ trợ đầu tư đường giao thông trục ấp, liên ấp trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 và 2025.