Vay vốn nước ngoài là cần thiết nhưng phải sử dụng hợp lý (Ảnh minh họa: KT)
Như đã đề cập ở bài trước, dù hiện nay quy mô nợ công của Việt Nam vẫn được coi là trong ngưỡng an toàn, song với việc duy trì thâm hụt ngân sách nhiều năm ở mức xấp xỉ 5% GDP trong khi hiệu quả chi tiêu công ngày càng kém thì nguy cơ mất ổn định tài khóa không chỉ là cảnh báo. Do đó, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nợ công, đảm bảo an toàn nợ công và quan trọng hơn cả là sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đang là vấn đề cấp bách đặt ra đối với các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trong cả nước.
Không đầu tư kiểu cào bằng
Theo TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính – đầu tư, do nhu cầu cải thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, buộc Việt Nam phải dùng vốn vay nước ngoài chứ không thể dùng vốn tích lũy. Tuy nhiên, do tính cào bằng tỷ lệ đầu tư cho các công trình, dự án giữa các địa phương làm cho số tiền đầu tư lớn nhưng nguồn thu trả nợ không tương xứng, do đó, ngân sách bị căng thẳng.
TS Hiển cho rằng, thông thường, khi nguồn vốn chưa đủ thì phải tập trung cho các lĩnh vực, dự án trọng điểm, giá trị lan tỏa cao, khu vực đầu tư tốt.
“Thực tế vẫn còn tình trạng đầu tư thiếu trọng điểm, thậm chí lãng phí, nguồn vốn đầu tư trở thành nợ công, không có tích lũy và dự án không mang lại hiệu quả. Đó là việc rất đáng quan ngại”, TS Hiển cho hay.
Theo TS Đinh Thế Hiển, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, vay vốn nước ngoài là cần thiết nhưng điều quan trọng là phải sử dụng như thế nào cho hợp lý.
“Chúng ta không thể nói rằng, chúng ta cần phát triển mà phải chờ tích lũy mới đầu tư thì thành câu chuyện con gà – quả trứng. Chúng ta không thể chờ tích lũy đủ mới đầu tư để đáp ứng nhu cầu kinh tế và xã hội. Vay vẫn phải vay nhưng vấn đề, vay phải đầu tư trọng điểm trước trong khi vốn hạn hẹp, nợ công cao. Không thể đầu tư cào bằng thì mới hiệu quả cao”, TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Tránh tình trạng địa phương vay, Chính phủ trả nợ
Theo đại diện Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh; kiểm soát bội chi và vay của ngân sách địa phương; không thực hiện cấp mới bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án vay vốn trong nước, chỉ thực hiện cấp bảo lãnh vay nước ngoài cho 2 dự án. Dư nợ bảo lãnh 2 ngân hàng chính sách được giữ trong giới hạn...
Bên cạnh đó, bộ đã và sẽ thúc đẩy các DN sử dụng vốn vay nước ngoài trả nợ trước hạn để giảm dư nợ bảo lãnh và sẽ trình Thủ tướng phương án tái cơ cấu các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh gặp khó khăn trả nợ.
“Từ 1/7/2018, theo Luật Quản lý nợ công, chỉ vay nợ trong khả năng trả nợ, các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đánh giá tác động đến quy mô, khả năng trả nợ công”, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính) cho biết.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, theo Luật Quản lý nợ công, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng nợ công gắn với trách nhiệm quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công. Luật và các nghị định hướng dẫn đã siết chặt việc cấp bảo lãnh, cho vay lại, vay nợ của chính quyền địa phương và đều gắn với trách nhiệm của những người có liên quan.
Còn theo ông Lê Văn Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công an toàn, bền vững, cần cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn liền với việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững, huy động hợp lý các nguồn lực.
“Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công cần gắn chặt chẽ với cơ cấu lại NSNN và nợ công. Cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Ngân sách trung ương chỉ tập trung đầu tư cho các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, liên vùng, liên địa phương”, ông Lê Văn Cương nêu ý kiến.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: KT)
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, với tình hình ngân sách của Việt Nam đang rất căng thẳng, đặc biệt chi thường xuyên quá cao, tình trạng lãng phí ngân sách vẫn còn thì Việt Nam sẽ tiếp tục phải vay nợ. Tuy vậy, việc vay nợ và trả nợ phải được cải thiện rõ rệt, đảm bảo hiệu quả, để tránh tình trạng các doanh nghiệp, địa phương vay nợ chi tiêu, chính phủ lại phải đứng ra trả nợ, điều đó sẽ là quá tải.
“Việt Nam sẽ có thể tiếp tục phải vay nợ, tuy nhiên, việc vay nợ cần phải hết sức thận trọng, có hiệu quả và phải có cơ chế trả nợ rõ ràng. Vay nợ nhưng phải bảo đảm khả năng trả nợ, an toàn nợ công và nền tài chính quốc gia”, TS Lê Đăng Doanh khuyến cáo.
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, phải duy trì nỗ lực kiểm soát tiêu ngân sách, đặc biệt là Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể… Đồng thời, tiếp tục củng cố chính sách tài khóa theo hướng cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, quản lý hiệu quả nguồn vốn vay để nâng hiệu quả kinh tế xã hội, giảm thiểu lãng phí, sử dụng sai mục đích. Nếu không kiểm soát tốt nợ công và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ trong thời gian tới.
Theo VOV News