Quang cảnh buổi làm việc với Sở Y tế.
Quang cảnh buổi làm việc với Sở Y tế. (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)

Tham dự buổi làm việc với Đoàn khảo sát có các đồng chí: Phùng Thị Kim Nga – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Trung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế; cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và đơn vị có liên quan.

Trong giai đoạn 2023–2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tổ chức tập huấn, kiểm tra, giám sát và xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc tại các cơ sở y tế, trường học và cơ quan, công sở trên địa bàn.

Đáng chú ý, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai hiệu quả các chiến dịch truyền thông về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng – những sản phẩm mới đang có xu hướng gia tăng sử dụng, đặc biệt trong giới trẻ.

Trong giai đoạn 2023–2024, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 31 cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến mặt hàng thuốc lá. Qua đó, đã phát hiện và xử lý 14 vụ vi phạm, với tổng số tiền phạt trên 27 triệu đồng; đồng thời tiến hành tiêu hủy 90 bao thuốc lá nhãn hiệu 555 – loại được xác định có nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng.

Nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhận thức và ý thức của người dân về vấn đề này ngày càng được nâng cao. Theo thống kê, năm 2024, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên tại Vĩnh Phúc sử dụng thuốc lá chỉ còn 18,4%, giảm 2,2% so với năm 2020.

Tuy nhiên, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn nhiều khó khăn do một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bên cạnh đó, do Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích các cơ sở y tế triển khai tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá; mức chi cho hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá còn thấp; giá thành mặt hàng thuốc lá còn thấp, nhân lực tham gia công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá còn thiếu...

Hiện, toàn tỉnh không có đơn vị nào đăng ký sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đến nay, Sở Công thương đã cấp giấy phép bán buôn thuốc lá cho 8 đơn vị và giấy phép kinh doanh nguyên liệu thuốc lá cho 1 đơn vị. Có 1 đơn vị gia công, sản xuất và lắp ráp linh phụ kiện cho thuốc lá điện tử.

Các đơn vị được Sở Công thương cấp giấy phép bán buôn thuốc lá và kinh doanh sản phẩm thuốc lá đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc lá.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có quy định về việc xử phạt hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và hành vi buôn bán, chứa chấp sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Nâng mức thuế đối với hoạt động sản xuất thuốc lá; nâng mức xử phạt vi phạm quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bộ Y tế và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá hỗ trợ kinh phí cho công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm. Quan tâm, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; có quy định giá dịch vụ tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga nhấn mạnh, những năm qua, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Giao các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhằm kéo giảm tỷ lệ người dân sử dụng thuốc lá; đẩy mạnh xây dựng các mô hình văn hóa, văn minh không sử dụng thuốc lá tại các cơ sở y tế, trường học, địa điểm công cộng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga giao Sở Y tế rà soát các văn bản chỉ đạo của tỉnh, tổng hợp, hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn khảo sát.

Đồng chí đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó, cần nâng mức thuế đối với cơ sở sản xuất thuốc lá và tăng giá bán nhằm hạn chế người dân sử dụng thuốc lá; đồng thời, tăng chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Vĩnh Phúc trong việc cụ thể hóa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các nghị quyết, chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Thị Lan đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, đẩy mạnh giám sát, xử lý vi phạm; đồng thời có cơ chế hỗ trợ tư vấn, cai nghiện thuốc lá.

Đối với các kiến nghị của tỉnh tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã đến tham quan Công ty TNHH Partron Vina, tại Khu công nghiệp Khai Quang (TP. Vĩnh Yên) – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất và lắp ráp linh kiện, phụ kiện cho thuốc lá điện tử.

Chuyến tham quan nhằm tìm hiểu, làm rõ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải liên quan đến hoạt động xuất khẩu các sản phẩm linh kiện điện tử cho thuốc lá điện tử, sau khi Nghị định 173 của Quốc hội chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2025. Quy định mới đã khiến doanh nghiệp buộc phải tạm ngưng việc xuất khẩu nhóm sản phẩm này.

Hà Trần (t/h)