Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai các nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các ngành liên quan để rà soát, bổ sung quy hoạch. Trong đó, ưu tiên đầu tư các tuyến đường trọng điểm, trục giao thông chính nhằm tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận.

Vĩnh Phúc ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành địa bàn phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại.
Vĩnh Phúc ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành địa bàn phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại.

Huy động và bố trí nguồn lực hợp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng và giao thông; triển khai các dự án trọng điểm phục vụ phát triển vùng và liên kết vùng; tăng cường phân cấp quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả điều hành và phát triển bền vững.

Ký kết thỏa thuận với UBND tỉnh Tuyên Quang về việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D và các tuyến đường kết nối hai tỉnh Vĩnh Phúc – Tuyên Quang. Đồng thời, triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường kết nối giữa Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.

Địa phương cũng tập trung nguồn lực để triển khai các dự án giao thông quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án tiêu biểu gồm: đường vành đai 3 đoạn Hương Canh - Yên Lạc, đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên, tuyến đường từ nút giao lập thể cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực xã Văn Quán) đến trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh kết nối Khu công nghiệp Sông Lô I.

Các dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai bao gồm: đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc (đoạn từ Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường vành đai 3), dự án đường vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội, cùng với tuyến đường ven chân núi Tam Đảo kết nối đường vành đai 5 với Quốc lộ 2B đến Tây Thiên, tiếp tục đi Quốc lộ 2C và Tuyên Quang. Ngoài ra, còn có dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc (đoạn từ đường vành đai 4 đến đê tả sông Hồng), góp phần nâng cao kết nối giao thông và phát triển vùng.

Dự án đường song song đường sắt, tuyến phía Bắc, đoạn từ QL2C đến đường Hợp Thịnh - Đạo Tú đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Dự án đường song song đường sắt, tuyến phía Bắc, đoạn từ QL2C đến đường Hợp Thịnh - Đạo Tú đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Vĩnh Phúc hoàn thành hai cây cầu quan trọng, tạo đột phá trong giao thông và phát triển kinh tế - xã hội. Cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô, nối Vĩnh Phúc với Phú Thọ, thông xe cuối tháng 8/2023. Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành (TP Vĩnh Yên), khánh thành đầu 2025, giúp giảm ùn tắc tại nút giao đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Các công trình này không chỉ nâng cấp hạ tầng mà còn tạo điểm nhấn kiến trúc, cải thiện mỹ quan đô thị.

Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, do Bộ GTVT triển khai với tổng mức đầu tư hơn 1.258 tỷ đồng, chiều dài khoảng 11km, quy mô 4 - 6 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h, đang được thực hiện. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống quốc lộ theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tăng cường kết nối vùng trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.  

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới giao thông đối ngoại, kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ.

Hà Trần (t/h)