78 năm đã trôi qua, trong tâm thức mỗi người Việt Nam yêu nước vẫn còn vang vọng âm hưởng đanh thép chứa đựng ý chí quyết tâm sắt đá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể quốc dân đồng bào tuyên bố với thế giới trong bản Tuyên ngôn độc lập mùa thu năm ấy: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Độc lập, tự do không chỉ là khát vọng nghìn đời của mỗi quốc gia, dân tộc, mà còn là quyền thiêng liêng nhất, là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc đó trong cộng đồng thế giới. Để trên bản đồ thế giới hôm nay tồn tại một dải đất hình chữ S như thế rồng bay bên bờ Thái Bình Dương sóng vỗ, dân tộc Việt Nam đã trải qua chặng đường lịch sử dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã sản sinh ra nhiều bậc anh hùng hào kiệt luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, kiên quyết giữ vững bờ cõi thiêng liêng của đất nước.

Tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương, đất nước, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bắt đầu hành trình tìm con đường để giành lại độc lập, tự do cho chính mình và đồng bào mình. Suốt ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài, với biết bao hiểm nguy, gian khó, Người vẫn luôn khẳng định mà không hề nao núng rằng "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn". Rồi đến khi về nước lãnh đạo phong trào cách mạng, vô luận trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi "ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo"(i), Người luôn luôn chỉ nghĩ đến đất nước, đến nhân dân mà giữ vững ý chí phấn đấu và sẵn lòng hi sinh cả bản thân mình.

Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Latouche Treville - Nguồn: http://truongchinhtrithainguyen.gov.vn/
Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Latouche Treville (nguồn: http://truongchinhtrithainguyen.gov.vn)

Cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi với Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến khát vọng độc lập, thống nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam trở thành hiện thực. 

Bản Tuyên ngôn độc lập Nguồn: Ảnh St
Bản Tuyên ngôn độc lập 

Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Người soạn thảo và đọc ngày 2/9/1945 chỉ vỏn vẹn có hơn 1.000 từ nhưng đã được suy ngẫm và viết ra bởi người chiến sĩ hàng đầu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc "sau bao năm bôn ba khắp thế giới, mang án tử hình của đế quốc Pháp, qua mấy chục nhà tù và những ngày dài gối đất nằm sương".

Áng văn ấy là sự tiếp nối của chí khí hào hùng, sức mạnh của nhân dân và lòng tự hào dân tộc trong "Nam quốc sơn hà Nam đế cư..." của Lý Thường Kiệt thế kỷ XI, trong "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi thế kỷ XV; "là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam"; "là những lời lẽ tâm huyết, đầy cảm kích của đội tiên phong giác ngộ nhất của giai cấp cách mạng nhất, có những người con tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của dân tộc, trước máy chém, trước miệng súng của quân thù, đã từng giật tấm băng đen bịt mắt, hô lớn: "Việt Nam độc lập muôn năm!"'.

Quang cảnh Ngày Độc lập 2/9/1945 tại Ba Đình trước khi khai lễ - Nguồn: Ảnh Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Quang cảnh Ngày Độc lập 2/9/1945 tại Ba Đình trước khi khai lễ 

Sau khi trịnh trọng tuyên bố với thế giới về các quyền của nước Việt Nam được hưởng tự do và độc lập và hơn thế, sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập, nhân danh dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!".

Lời khẳng định đanh thép của vị lãnh tụ thể hiện quyết tâm của toàn thể dân tộc, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát, có thể là rất to lớn để bảo vệ bằng được thành quả quý giá, lớn lao nhất vừa giành được. Ta như thấy lại sức mạnh của những ngày sắp sửa giành chính quyền, tháng 8/1945, khi bị ốm nặng tưởng không thể qua khỏi, Hồ Chí Minh vẫn tràn đầy quyết tâm nói với các đồng chí ở cạnh Người: "Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập".

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nguồn: bqllang.gov.vn
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 

Nhà nước Việt Nam độc lập ra đời chưa được bao lâu đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, mà lớn nhất là dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Sau những nhân nhượng đầy thiện chí để bảo vệ nền hòa bình của đất nước, đặc biệt là khi những hành động của thực dân Pháp đã vượt quá giới hạn cho phép, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận sự ủy thác của đồng bào, cùng đồng bào toàn quốc thề quyết tâm kháng chiến với tinh thần "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Ngày 23/9/1945, nhân dân Sài Gòn đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược lần thứ hai, mở đầu cho hành trình dân tộc đến với độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ròng rã trong ngót 30 năm mới tới đích.

Trong những năm kháng chiến, cùng với việc khẳng định nước Việt Nam là một, từ Nam chí Bắc cùng một tiếng nói, một lịch sử, một nền văn hoá và một nền kinh tế; nhân dân Việt Nam đã hy sinh máu xương đấu tranh cho độc lập, tự do, quyết không một lực lượng nào ngăn cản được sự nghiệp thống nhất Tổ quốc mình: "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!". Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: "Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ; Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước; Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc".

Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ; Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước; Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm kết thúc thắng lợi nhưng Hiệp định Geneva đã không thể mang lại một nước Việt Nam độc lập và thống nhất như khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể người dân Việt Nam yêu nước. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam Việt Nam không những đã cự tuyệt thi hành các điều khoản của Hiệp định Geneva mà còn đẩy mạnh hoạt động gây chia rẽ, hận thù, chống lại lợi ích và khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng chỉ có thể chia cắt đất nước ta về mặt địa lý mà không thể chia cắt ý chí và niềm tin của cả một dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ của nhân dân, ngọn cờ và linh hồn đoàn kết toàn dân tộc khẳng định chắc chắn rằng: "Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng".

Thực hiện mục tiêu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, Đảng ta tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền. 

Ngày 6/9/1960, trong diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà". Thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, trong buổi bế mạc Đại hội, Người tiếp tục khẳng định: "Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ.

Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". Nhất trí với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng trong giai đoạn mới, Đại hội Đảng lần thứ III đã vạch ra đường lối chính trị độc lập, tự chủ, sáng tạo nhằm đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, kết hợp sức mạnh của tiền tuyến và hậu phương, của dân tộc và thời đại đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Để tăng cường hơn nữa sự đoàn kết nhất trí trong toàn dân trước sự đe doạ leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt tại Hà Nội. Có thể nói, Hội nghị Chính trị đặc biệt chính là một "Hội nghị Diên Hồng" ở thế kỷ XX, thể hiện khí phách anh hùng bất khuất, ý chí gang thép của dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ độc lập, tự do, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, từ niềm tin và khát vọng độc lập, tự do, quân dân cả nước đã từng bước đánh bại từng chiến lược chiến tranh của địch.

Dù chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt cho đến chiến tranh cục bộ hay Việt Nam hóa chiến tranh đều không thể ngăn nổi sức mạnh của cả một dân tộc chiến đấu vì chính nghĩa, vì phẩm giá con người, vì chân lý lớn nhất của thời đại: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao.

Một cựu binh Mỹ sau cuộc chiến đã phải khâm phục thừa nhận rằng: Với "tinh thần dân tộc và lòng tự hào luôn bùng cháy, thổi lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi ngoại bang. Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất - một CHÍ THÉP - giúp họ thực hiện được điều tưởng như không thể. Để cuối cùng, CHÍ THÉP đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới".

Các phong trào thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực đã lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo... đều hăng hái vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đồng thời sẵn sàng lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. 

Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng Thành phố được giải phóng ngày 15/5/1975 - Ảnh: Tư liệu
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng Thành phố được giải phóng ngày 15/5/1975 

Tất cả những hành động đó đã biểu thị tinh thần đoàn kết của toàn thể nhân dân miền Bắc dưới ngọn cờ đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình đoàn kết của nhân dân miền Bắc đối với nhân dân miền Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên chiến trường miền Nam, quân và dân miền Nam đẩy mạnh tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, góp phần chia lửa với đồng bào miền Bắc. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là sự tiếp nối của những hoạt động đó, đã làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ", "đánh bại được ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh".

Nhưng những lời bất hủ Người dặn lại trong bản Di chúc thể hiện khát vọng và niềm tin tất thắng về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp hòa bình thế giới: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn." Và dù khó khăn gian khổ đến mấy nhưng "Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất", "Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà''. Lời căn dặn của Bác, khát vọng của Bác trao truyền lại đã trở thành nguồn sức mạnh nội lực, cổ vũ, động viên quân dân cả nước trên đường chiến đấu và chiến thắng.

Vĩnh biệt Người, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta biến đau thương thành hành động cách mạng, xiết chặt đội ngũ để "mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng". 

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về độc lập, tự do và thống nhất đất nước cùng khát vọng của toàn dân tộc đã trở thành hiện thực sinh động trên mảnh đất Việt Nam anh hùng. 

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 - Ảnh tư liệu
Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 

78 năm đã trôi qua kể từ ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á ra đời (1945-2023), cũng đã 48 năm đất nước kỉ niệm ngày thống nhất, non sông thu về một dải (1975-2023), một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ đã gặt hái nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới và ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Thành tựu vĩ đại này phải trả bằng trí tuệ và máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam mà Người đi tiên phong, có công lao lớn nhất trong sự nghiệp này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đúng như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc, người đồng chí, cộng sự gần gũi và thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: "Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm giữ nước và dựng nước… chúng ta càng thấy nổi bật những dòng chữ bất diệt, những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn độc lập, những tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ta, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Không có gì quý hơn độc lập, tự do…".

Vũ Thị Kim Yến

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch