Những điểm sáng rõ nét
Tại Tọa đàm “Bứt phá doanh thu cuối năm - Lối đi nào cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho hay, dù tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng tổng kim ngạch thương mại đã đạt con số mơ ước - 600 tỷ USD cho cả năm, hơn gấp đôi so với GDP 2021. Có thể nói, xuất nhập khẩu đã đạt mức kỳ tích bất ngờ, với con số tăng trưởng khoảng 10% trong năm 2021. Không chỉ về số lượng, chất lượng cũng đáng quan tâm, khi danh mục xuất khẩu có tới 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Đây chính là điểm sáng, cho thấy kinh tế Việt Nam có thể đứng vững và có cơ hội phục hồi rất lớn.
Nhìn vào bức tranh tổng thể vẫn có nhiều điểm sáng rõ nét. Câu chuyện của Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh được Giám đốc Trần Văn Lê chia sẻ đã cho thấy, dịch Covid-19 chính là một phép thử để doanh nghiệp Việt, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, doanh nghiệp nào có kế hoạch tốt, tìm giải pháp chủ động giảm rủi ro thì sẽ trưởng thành hơn. Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh đã áp dụng công nghệ 4.0 của châu Âu để giảm thiểu sự phụ thuộc vào người lao động, giảm giá thành cho khách hàng. Ngoài ra, theo ông Lê, sự chủ động của doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng, qua gian khó thì doanh nghiệp Việt có được bài học rất lớn, trưởng thành hơn rất nhiều.
“Những chính sách hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất ngân hàng…là cứu cánh cho doanh nghiệp rất tuyệt vời, nhưng giải pháp tăng dòng tiền thì vẫn phải là đẩy mạnh bán hàng, tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp nào vượt qua đại dịch thì tạo được mặt bằng, tạo tư duy, có cách nhìn một cách tổng thể. Đây là mốc lịch sử cho nền kinh tế thị trường. Sau sự kiện này, tôi tin rằng mỗi doanh nghiệp đều có cho mình bài học lớn, chúng ta nhìn thấy giá trị, uy tín của các tổ chức tín dụng cũng như uy tín của người lãnh đạo doanh nghiệp”, ông Lê chia sẻ.
Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng giảm 8%, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm tới hơn 10%. Dịch bệnh vẫn diến biến phức tạp, nhiều nước là thị trường chủ chốt của Việt Nam như EU cũng sắp quay trở lại phong tỏa… Hàng loạt khó khăn ở tất cả mọi khâu khiến doanh nghiệp phải đối mặt. Vậy lối thoát là gì?.
Theo ông Ánh, ngoài sự chủ động thì doanh nghiệp cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, như chính sách gia hạn miễn giảm thuế, tín dụng; cho cơ cấu lại nợ; không chuyển nhóm nợ nếu là nợ quá hạn.
“Thời gian qua đã có nhiều gói kích thích kinh tế, và hiện nay, Chính phủ đang bàn tới những gói kích thích kinh tế quy mô lớn hơn, sớm tổng hợp lực giúp doanh nghiệp đứng vững, tiếp tục phát triển. Mỗi doanh nghiệp đứng ở lĩnh vực, tầm nhìn, kế hoạch của mình để có giải pháp phù hợp khắc phục khó khăn, vượt qua mọi trở ngại trong thời gian tới”, ông Ánh nhấn mạnh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Dưới góc độ của ngân hàng, ông Nguyễn Trọng Tĩnh, Giám đốc Trung tâm kênh phân phối và bán hàng Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, phao cứu sinh với doanh nghiệp là sự hỗ trợ trực tiếp chứ không phải chính sách xa xôi. NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cam kết giảm lãi suất cho doanh nghiệp; riêng MSB luôn quan niệm đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình phát triển; có trách nhiệm giải quyết và xác định khó khăn cụ thể của doanh nghiệp là gì để đưa ra giải pháp.
Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn tăng lên trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn về tài sản thế chấp, chính vì vậy, MSB phải giải bài toán giúp doanh nghiệp có nguồn vốn duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Chia sẻ những khó khăn đó, MSB đưa ra gói giải pháp toàn diện hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, không những cho thời gian hiện tại mà cả lộ trình trong tương lai. Về đáp ứng nhu cầu vốn, MSB xây dựng và cung cấp các gói giải pháp tài chính, cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ với tổng hạn mức lên tới 200 tỷ đồng, số tiền vay lên tới 100 tỷ đồng đảm bảo bằng hợp đồng đầu ra; ngoài ra, MSB cấp hạn mức tín chấp tiếp cận ban đầu lên tới 5 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, MSB cấp hạn mức tín chấp 500 triệu đồng, với doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì cấp hạn mức tới 2,5 lần giá trị tài sản. MSB còn có gói giải pháp chuyên biệt dành cho các nhóm đối tượng như doanh nghiệp nhập khẩu, MSB đưa ra gói giải pháp tài trợ cho các khoản L/C lên tới 100% giá trị L/C…
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, MSB có gói tài trợ trước giao hàng lên tới 90% giá trị xuất khẩu, chiết khấu bộ chứng từ lên tới 98%. MSB đang cung cấp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi chỉ từ 2,5% với khoản vay USD, và từ 5,5% với khoản vay VND… Đồng thời, MSB có đội ngũ chuyên gia hoàn thiện bộ chứng từ cho doanh nghiệp, đảm bảo giao dịch thông suốt.
Bên cạnh đó, khi đề cập tới vấn đề doanh nghiệp nên thay đổi ở điểm nào để xuất khẩu hiệu quả qua kênh thương mại điện tử, chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: Trước hết, doanh nghiệp phải coi kênh thương mại điện tử không phải là là kênh tạm thời thay thế trong bối cảnh dịch bệnh mà là xu thế tất yếu trong tiêu thụ hàng hóa, trong tổng quan hệ khách hàng của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay
“Khi đã là kênh chủ yếu thì điểm quan trọng là phải chuyên nghiệp hóa bộ phận thực hiện thương mại điện tử, không còn là câu chuyện kiêm nhiệm nữa. Thương mại điện tử gắn với phạm trù lớn hơn là kinh tế số, số hóa tất cả như logistics, thông tin khách hàng và đặc biệt liên quan tới hệ thống thanh toán dựa trên ngân hàng số. Đây là hệ thống khép kín, là bộ phận trong kinh tế số, doanh nghiệp khi tiếp cận cần hết sức lưu ý. Trong công nghệ số hóa, tiến bộ của khoa học kỹ thuật tiến rất nhanh, khi doanh nghiệp tham gia phải nắm bắt nhanh và tận dụng các cơ hội như vậy”, ông Ánh phân tích.
Thái Bình