Hỗ trợ tối đa dòng vốn cho doanh nghiệp

Dưới tác động của dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp liên tiếp chịu những tổn thất lớn như đứt gãy chuỗi cung ứng, sụt giảm về nguồn lao động, giá nguyên vật liệu và cước phí vận chuyển ngày một tăng cao, hay những tiêu chí khắt khe của thị trường nước ngoài để đảm bảo tính ổn định của đơn hàng. 

a

Ông Trần Văn Lê - CEO Vua quạt đất Bắc cho biết, "chỗ dựa" vững chắc mà doanh nghiệp nghĩ tới đầu tiên tại thời điểm này chính là ngân hàng. Nhưng việc tiếp cận nguồn vốn với đa phần các nhà băng đều khó khăn, do những tiêu chí khắt khe về kết quả kinh doanh, tài sản bảo đảm hay phương án triển khai sau vay vốn phải được đánh giá là khả thi.

Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 537,31 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong tháng 10 xuất khẩu tăng nhanh trở lại, xuất siêu đã đạt 1,1 tỷ USD, kéo cán cân thương mại hàng hóa xuống còn nhập siêu 1,45 tỷ USD sau 10 tháng. Dự báo về triển vọng xuất khẩu thời gian tới, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, 2 tháng cuối năm tình hình xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt kỷ lục mới, khoảng 640-650 tỷ USD. Có thể thấy rằng, đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế và là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp.

Do đó, để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng hiện nay đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giảm các loại phí dịch vụ… Bên cạnh đó, trong hơn 3 tháng từ 15/7, 16 ngân hàng đã giảm gần 16.000 tỷ đồng tiền lãi vay để hỗ trợ cho khách hàng vượt qua khó khăn đại dịch Covid-19. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,55%/năm tính đến cuối tháng 10 năm nay và giảm tổng cộng 1,55%/năm so với thời điểm trước dịch…

Điển hình như ngân hàng MSB đã triển khai xây dựng các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2021. Đáng chú ý, MSB còn linh hoạt cả nguồn vốn không cần tài sản đảm bảo, mà trên cơ sở dữ liệu đơn hàng, các khoản phải thu của khách hàng.

Ngân hàng có thể áp lãi cao nếu nhận thấy rủi ro

Doanh nghiệp có thể vay vốn mà không cần tài sản đảm bảo, vậy nếu sau một thời gian dài gặp khó khăn ảnh hưởng đến việc trả lãi cho ngân hàng thì phải làm thế nào?

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, cho vay theo dòng tiền, cho vay tín chấp là điều mà cả doanh nghiệp và ngân hàng đều mong muốn vì cách làm này đơn giản, tháo gỡ được vướng mắc lâu nay là thiếu tài sản đảm bảo của nhiều khách hàng. Do đó để đảm bảo lợi ích cho ngân hàng, các doanh nghiệp cần phải minh bạch, phản ánh đúng thực trạng tình hình tài chính và tiềm lực khả năng sinh lời của dự án đó. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khai báo số liệu tài chính không trung thực, như vậy gây khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đề chia sẻ, doanh nghiệp cần chủ động và chuẩn bị tốt hơn khi làm việc với các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, cần làm rõ và thuyết phục về sức mạnh hồ sơ, hiệu quả sử dụng vốn… Một hồ sơ mạnh, đầy đủ và minh bạch sẽ giảm thiểu thời gian và chi phí thẩm định, qua đó thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn hợp lý; trái lại, ngân hàng có thể áp lãi cao hơn khi nhận thấy có tiềm ẩn rủi ro hơn, thậm chí từ chối không cho doanh nghiệp vay vốn.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám Đốc Công ty TNHH Hùng Mạnh cho rằng, khi doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong việc xoay vòng vốn thì ngân hàng là chỗ dựa vững chắc nhất. Do đó, muốn được ngân hàng hỗ trợ một cách nhanh nhất thì phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, minh bạch, tạo được niềm tin để ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ lãi vay đối với doanh nghiệp mình.

Huyền Cao