Đền Lảnh Giang (còn gọi là Lảnh Giang linh từ) nằm bên bờ sông Hồng, thuộc thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Theo thần phả sắc phong lưu lại tại đền, Lảnh Giang linh từ thờ Tam vị danh thần có công giúp vua Hùng Duệ Vương (đời Hùng Vương thứ 18) đánh giặc cứu nước.
Viết về công lao đánh giặc của 3 vị tướng thời Hùng thờ tại đền Lảnh Giang, trong tập sách “Giang sơn cố tích đề vịnh” của cụ Bùi Bằng Đoàn, có bài thơ:
“Anh em ba vị cuối triều Hùng,
Họ Phạm quê nhà xóm bãi sông,
Đánh giặc cứu dân người dẫu khuất,
Còn nêu sự nghiệp sáng trăng trong”.
Cùng với việc thờ 3 vị tướng Hùng Duệ Vương thứ 18. Đền Lảnh Giang còn thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung Công chúa. Câu chuyện tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung Công chúa truyền lại từ bao đời nay, nói nên lòng hiếu thảo, thuỷ chung nhất mực - Tình yêu thương đồng loại cao cả, không phân biệt sang hèn.
Đền Lảnh Giang
Nằm quay mặt ra bến sông, được ôm trọn trong màu xanh cây trái, đền Lảnh Giang là công trình kiến trúc quy mô mang đậm phong cách cổ truyền dân tộc vừa trang nghiêm, cổ kính, vừa thanh thoát, nhẹ nhàng. Tổng thể kiến trúc được xây dựng theo lối nội công ngoại quốc, gồm 3 tòa với 14 gian lớn, nhỏ.
Đặc biệt, tam quan được làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng, tám mái vút cong; bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa đục, chạm, gọt, tỉa tạo nên các mảng chạm khắc với các đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng) cổ kính trang nghiêm và thanh thoát sinh động, góp phần tôn thêm vẻ đẹp và sự độc đáo của ngôi đền.
Một năm, đền Lảnh Giang có 2 kỳ lễ hội vào tháng Sáu và tháng Tám Âm lịch với các nghi lễ chồng kiệu, kéo cờ thần trước cửa đền, lễ cáo kỵ; rước kiệu thánh. Nhiều trò chơi dân gian phong phú được tái hiện như múa rồng, múa lân, chiếu chèo sân đền, hát chầu văn, đánh cờ người, chọi gà, đuổi vịt dưới nước...
Năm nay, Lễ hội đền Lảnh Giang bắt đầu tổ chức từ ngày mồng 1 tháng Sáu Âm lịch với các hoạt động quan trọng như Khai mạc liên hoan diễn xướng chầu văn toàn quốc; Công bố Quyết định - Trao Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Lảnh Giang. Các ngày tiếp theo sẽ tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động liên hoan diễn xướng chầu văn của các đoàn trên toàn quốc.
Có thể nói, ngoài giá trị tâm linh, đền Lảnh Giang còn là trung tâm của các cơ sở cách mạng trên đất Mộc Nam, ngọn cờ búa liềm sớm nhất được treo trên cây đa đình làng Yên Lạc (1931). Tháng 7/1945, nhân dân tập trung ở sân đền nghe đồng chí Lê Thành tuyên truyền chủ trương của phong trào cách mạng.
Ngày 20/8/1945, nhân dân tập trung ở sân đền kéo về huyện lỵ tham gia cướp chính quyền… Tháng 10/1946, Chi bộ đầu tiên của tổng Mộc Hoàn và Ủy ban hành chính kháng chiến khu Mộc Hoàn được thành lập ở đây. Đền Lảnh Giang là cơ sở tin cậy để các cán bộ, đảng viên huyện về nằm vùng hoạt động, theo dõi tình hình địch, lãnh đạo tổ chức chính quyền cách mạng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Từ những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cổ truyền dân tộc của Đền Lảnh Giang, ngày 5/11/1996, Bộ Văn hóa Thông tin đã cấp Bằng công nhận đền Lảnh Giang là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia.
Ngọc Linh