THCL Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm (89 tuổi) nhưng dáng vẻ cụ Đinh Trọng Tế toát lên sự nhanh nhẹn, trí tuệ tinh anh, da dẻ hồng hào. Với giọng nói sang sảng, ánh mắt đầy “khí thế”, cụ Tế kể chuyện mình vinh dự nhiều lần “nhập” vai Vua Lê Đại Hành.

Hà Nam: Chuyện về cụ ông 8 lần “làm Vua” ở các lễ hội Tịch điền - Hình 1

Cụ Đinh Trọng Tế đang mặc long bào

Cụ Tế từ từ kể câu chuyện lịch sử, mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ Tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau. Lễ này bị gán đoạn dưới thời vua Khải Định.

Sau một thời gian bị mai một, lễ hội Tịch điền (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được khôi phục lại vào ngày mùng 7 tháng giêng năm 2009. Tìm người phù hợp để đóng vai Vua làm lễ xuống ruộng đi cày 3 sá không phải là việc đơn giản. Đó không chỉ là người cao tuổi trong làng mà còn phải là người có uy tín, đức độ, được mọi người kính trọng. Phải chọn được người có nét uy nghi, khoan thai, có phong thái của một ông Vua. Các chức sắc trong làng họp bàn đã tìm ra người phù hợp đóng vai Vua đi cày là cụ Ngụy Nguyên Chiều (82 tuổi). Tuy nhiên, trước ngày tổng duyệt, cụ Chiều đổ bệnh, chục ngày sau cụ qua đời.

Lễ hội đã chuẩn bị xong mà “ông vua” lại mất khiến các chức sắc trong làng rối bời lòng dạ. Tìm người khác thay thế trong lúc “nước sôi lửa bỏng” không hề dễ dàng. Chưa kể tới việc, do hủ tục, người dân trong làng sợ rằng, vào vai vua là mạo phạm, sẽ bị Ngài quở trách mà sinh bệnh ốm đau, tai ương, chết chóc. Các bô lão trong làng không nói ra nhưng hầu hết đều “né”, cáo từ. “Lúc ấy, tôi đứng lên tự ứng cử “làm vua” trước sự lo lắng của gia đình, dòng họ”- cụ Tế chậm rãi nói.

Thời gian quá gấp gáp, cụ Tế quên ăn, quên ngủ tập luyện các bước đi cầy, soi gương tập biểu cảm trên khuôn mặt sao cho đúng thần thái Vua. Nghe đơn giản, nhưng đó là sự vất vả, kiên trì của một cụ ông ngoại bát thập. “Hồi còn nhỏ, tôi được cụ cố kể về vua thời xưa oai phong, uy nghi là thế, đứng trên vạn người. Nhưng khi vua xắn quần lội xuống đồng đi cày cầu mùa màng cho dân, khuyến khích dân lao động cũng bình dị, chất phác như nông dân. Đó là một thứ tình cảm gần gũi mà thiêng liêng lạ thường. Tôi phải diễn làm sao cho đúng với tình cảm Vua đã dành cho dân làng”.

Ngày hội diễn ra, được khoác trên mình tấm long bào, đeo mặt nạ đóng giả vua, cụ Tế run run lo lắng. Sau một hồi lấy lại bình tĩnh, cụ bắt đầu “nhập vai”. Trước đồng ruộng mênh mông, Vua (cụ Tế đóng) mặc áo long bào, đeo mặt nạ lội ruộng xuống đồng cùng trâu cày như những lão nông. Vua bước chậm rãi song dứt khoát, một tay cầm roi, một tay giữ tay cày rồi thúc trâu cày thẳng tắp. Phía sau là đoàn người đi vãi hạt giống: đỗ xanh, lạc, thóc để cầu một năm mùa màng bội thu.

Cụ Tế khoe: “Khi được ngành Văn hóa Hà Nam tiếp tục mời đóng vai vua Lê Đại Hành, tinh thần phấn khởi, sức khỏe tôi khỏe hẳn ra, khỏe hơn những tháng trước. Tính đến nay, tôi đã 8 lần đóng vai Vua rồi đấy.” Có nhiều thành tích trong việc xây dựng và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của quê hương, nhiều năm qua cụ Tế được UBND tỉnh Hà Nam trao tặng bằng khen. Nói về dự định sắp tới, cụ cười hiền: "Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi".

Nam Phong