UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thông tin về giá nước sạch sinh hoạt và lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch sinh hoạt trên địa bàn.
Nội dung tập trung tuyên truyền về hiện trạng hệ thống cấp nước của TP; chất lượng nguồn nước; quy trình sản xuất nước sạch; dịch vụ cấp nước đô thị và nông thôn; cơ cấu cấu thành giá nước; điều chỉnh phương án giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn TP từ đó tạo sự đồng thuận và ủng hộ của Nhân dân đối với lộ trình tăng giá nước sạch của TP. Hà Nội; vận động người dân đấu nối, ký hợp đồng sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt, giảm dần các nguồn nước khai thác tại chỗ.
Bên cạnh đó, kế hoạch hướng tới tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước; bảo vệ công trình cấp nước và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về cấp nước.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để 100% người dân đô thị, nông thôn đều được sử dụng nước sạch, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn và mạng cấp nước.
Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án cấp nước. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại khu vực nông thôn do chi phí đầu tư lớn, song người dân đấu nối, sử dụng ít nên không bảo đảm cân đối thu - chi.
Ngoài ra, giá nước sạch được thành phố áp dụng (theo Quyết định số 38/2013/ QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND thành phố) 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh, đang là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư "bỏ cuộc", chậm triển khai tiếp dự án..., kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không thể đạt đúng mục tiêu giai đoạn 2016-2020.
Giai đoạn 2021- 2025, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu 100% người dân đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 85%.
Năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các huyện: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã). Theo đó, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.
Trước đó vào cuối năm 2022, Công ty CP nước mặt sông Đuống vừa có thông báo tới các đơn vị bán nước sạch về việc điều chỉnh giá. Theo đó, lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch tăng từ 5.059 đồng/m3 lên mức 8.326 đồng/m3 vào năm 2023. Sau đó sẽ tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 trong năm 2024.
Thảo Nguyễn (t/h)