Trong thời gian qua, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát lại nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, nắm nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân để chỉ đạo các hệ thống phân phối thu mua giúp người dân hạn chế đi lại, đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn và đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa cho thành phố.
Thực tế, ngay từ đầu tháng 8 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP. Hà Nội đã phải đóng cửa 20 chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Để tránh tình trạng “đứt gãy” chuỗi cung - cầu, ngành công thương Hà Nội và các siêu thị đã đa dạng hình thức phân phối trong tình hình mới.
Để phục vụ nhân dân, Sở Công Thương đã niêm yết công khai 8.216 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, triển khai 36 điểm bán hàng lưu động. Hệ thống siêu thị cũng đa dạng các hình thức bán hàng như trực tuyến, bán hàng combo, đi chợ hộ...
Đồng thời 9 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, đặc biệt 13 doanh nghiệp đăng ký tham gia bán hàng lưu động bằng ô tô và xe bus.
Cùng với đó, để sẵn sàng phục vụ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ người dân khi diễn biến dịch Covid-19 phức tạp hơn, UBND Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động bằng xe ô tô. Hiện đã có 6 quận, huyện đăng ký 62 điểm bán hàng bằng xe buýt, xe ô tô.
Giám đốc Siêu thị AEON Long Biên, Đàm Mạnh Tuấn cho biết, từ ngày 2/8, AEON Việt Nam bắt đầu triển khai 4 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn quận Long Biên cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân địa phương.
Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Thành phố, Bộ Công Thương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp trên địa bàn nên sau 2 đợt giãn cách, không có hiện tượng đổ xô tích trữ hàng hóa, mọi hoạt động mua sắm hàng hóa đều diễn ra bình thường.
Nói về việc dự trữ nguồn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội, quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội luôn chủ động chuẩn bị nguồn cung để cân đối cung - cầu, chỉ đạo các hệ thống phân phối dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường, dự trữ trong 3 tháng.
Khi nguồn cung hàng hóa qua các chợ đầu mối về chợ dân sinh bị giảm khoảng 10- 15% do phải đóng cửa, Hà Nội đã chỉ đạo các hệ thống phân phối tiếp tục tăng lượng dự trữ cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với lượng hàng đang dự trữ; chủ động đưa hàng về các kho trong nội thành; một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối.
Đồng thời, tiếp tục kết nối với các tỉnh, thành phố cung cấp hàng hóa cho Hà Nội qua các kênh phân phối nhằm cân đối cung - cầu, đảm bảo đủ nhu cầu phục vụ nhân dân trên địa bàn (Sở Công Thương đã rà soát nguồn hàng các tỉnh đang cung cấp trọng tâm là với 21 tỉnh, thành phố phía bắc trong Ban điều phối chuỗi cung ứng rau, thịt, thực phẩm an toàn cho thành phố).
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Linh Tuệ