Nữ sinh Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh tư liệu: TG
Nữ sinh Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới (Ảnh tư liệu: TG)

Chủ trương đúng đắn

Ngày 19/2/2024, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trong đó nhấn mạnh việc đề cao giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong nhà trường; kiên quyết ngăn chặn bạo lực và các tệ nạn học đường; nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh Hà Nội. Nghiên cứu đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô.

Thầy Nguyễn Cao Cường – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) cho biết, giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh đang được thực hiện ở các trường học tại Hà Nội. Nội dung giáo dục địa phương đề cập nhiều đến vấn đề này. Tuy nhiên, nếu có một cách làm tổng thể từ tiểu học tới các cấp cao hơn sẽ giúp chúng ta giáo dục toàn diện cho các em những căn cốt của người Hà Nội, trong đó văn hóa là yếu tố nền tảng.

“Hiện nay, một bộ phận giới trẻ xa rời nét thanh lịch, văn minh của Hà Nội mà thay vào đó là tệ nạn hay trào lưu có xu hướng lệch chuẩn. Nếu chúng ta có lộ trình, cách làm phù hợp với quy định của Chương trình GDPT 2018 sẽ đem lại hiệu quả giáo dục tốt. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới”, thầy Nguyễn Cao Cường nói.

Theo cô Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên), khi xây dựng chủ trương, chắc chắn lãnh đạo thành phố đã nghiên cứu để thấy sự cần thiết trong thực tiễn. Hà Nội học là phạm trù không nhỏ vì liên quan tới nhiều lĩnh vực như: Văn hóa, lịch sử, địa lý… Khi dạy cho học sinh phải có sự chắt lọc, tính toán chứ không thể dạy theo kiểu “đồng phục”.

Ngoài ra, cô Hường cho hay, khi thực hiện sẽ đòi hỏi sự thông suốt về tư tưởng, nội dung, mức độ truyền dạy cho từng nhóm học sinh. Ở cấp tiểu học đang có khá nhiều bộ tài liệu về giáo dục địa phương, lịch sử - địa lý, định hướng nghề… Nên chăng, việc này chỉ áp dụng cho các trường THCS, THPT để nghiên cứu tích hợp nội dung “Hà Nội học” vào một số môn/hoạt động nhưng không được gây quá tải cho thầy và trò.

ThS Nguyễn Thị Hà – giảng viên Trường ĐH Hà Nội. Ảnh: TG

ThS. Nguyễn Thị Hà – giảng viên Trường ĐH Hà Nội (Ảnh: TG)

Cần điều kiện kèm theo

Quận Hà Đông hiện có quy mô về số học sinh phổ thông, trẻ mầm non cao nhất Thủ đô Hà Nội với hơn 117 nghìn em.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông bày tỏ sự đồng tình với chủ trương của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hiện, các trường triển khai giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương với các bộ tài liệu kèm theo. Nếu tăng thêm một môn học bắt buộc ở giờ chính khóa thì cần có thời gian chuẩn bị.

Tuy nhiên, nếu đưa “Hà Nội học” thành một môn học độc lập trong nhà trường sẽ có phần không phù hợp với chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT. Về mặt khoa học sư phạm, nếu là môn học phải có nội dung, phương pháp giảng dạy cũng như cách thức đánh giá học sinh. Nếu đưa nội dung này dạy tích hợp vào hoạt động Giáo dục địa phương, Hà Nội nếp sống thanh lịch - văn minh theo hướng nhẹ nhàng thì sẽ hợp lý hơn. Khi đó, học sinh vẫn được tìm hiểu về truyền thống của người Hà Nội.

 

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, NGƯT Lê Thanh Hà – nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm) nêu quan điểm, chủ trương của lãnh đạo thành phố cần thiết trong bối cảnh Hà Nội đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ mọi mặt. Để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần bắt đầu từ lĩnh vực giáo dục. Trong mỗi gia đình, ông bà, bố mẹ chăm lo, dạy dỗ con cái về truyền thống gia đình tốt đẹp, sống hiếu thuận với cha mẹ thì khi ra ngoài xã hội, các em sẽ có cách ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật.

“Trường Tiểu học Bình Minh đang chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật và không khuyết tật. Khối lượng, tính chất công việc của các thầy cô vô cùng vất vả so với trường khác. Về đề xuất đưa môn ‘Hà Nội học’ trở thành môn học bắt buộc giảng dạy trong trường học, tôi cho rằng lãnh đạo ngành Giáo dục Thủ đô cần nghiên cứu kỹ để tham mưu cho thành phố, khi đủ điều kiện mới áp dụng. Bởi đã thêm môn học thì phải thêm giáo viên, chế độ đãi ngộ thầy cô phải đảm bảo. Nếu không, họ sẽ nhận việc trong im lặng nhưng hiệu quả không cao”, NGƯT Lê Thanh Hà đặt vấn đề.

Tại Trường ĐH Hà Nội, học phần “Hà Nội học” được đưa vào chương trình giảng dạy từ năm 2018 cho sinh viên thuộc 11 chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ của trường.

Chia sẻ thông tin, ThS. Nguyễn Thị Hà – giảng viên Bộ môn Ngữ văn Việt Nam cho hay: Phương pháp tiếp cận hiện nay không chỉ lấy lịch sử - văn hóa trụ cột mà còn dựa trên tri thức tổng hợp, toàn diện về mối quan hệ giữa thiên nhiên - con người - lịch sử - văn hóa của mảnh đất là kinh đô, Thủ đô qua nhiều thời kỳ lịch sử của Việt Nam.

Học phần Hà Nội học cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản và có hệ thống về Hà Nội về vị thế địa lý, quá trình hình thành cộng đồng cư dân và đặc trưng tính cách con người Hà Nội, tiến trình lịch sử và các di sản văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội.

Nếu đưa “Hà Nội học” thành môn bắt buộc giảng dạy ở trường phổ thông của Thủ đô cần xác định đưa môn này vào dạy ở cấp học nào, mục tiêu đào tạo là gì? Từ đó mới lựa chọn được nội dung giảng dạy thích hợp và biên soạn sách giáo khoa phục vụ việc dạy và học.

ThS Nguyễn Thị Hà: "Nội dung giảng dạy nói chung nên theo cách tiếp cận toàn diện, tức là tìm hiểu về Hà Nội trên các phương diện về điều kiện tự nhiên - cư dân - lịch sử - văn hóa. Trong đó, nhấn mạnh về lợi thế tự nhiên; lối sống đặc trưng của người Hà Nội (thanh lịch, tinh tế và trọng học vấn...); các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô. Các trường có thể nghiên cứu để kết nối, liên kết với môn học liên quan như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý để học sinh hiểu hơn về Hà Nội".

T. Hương(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/)