UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn TP.Hà Nội. Kế hoạch đặt ra mục tiêu, trong giai đoạn 2022-2025 có ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề. Hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi. Giai đoạn 2026-2030 có ít nhất 70% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp...
Giai đoạn 2022-2025, TP.Hà Nội có trên 80% người cao tuổi có thẻ BHYT; khoảng 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng. Giai đoạn 2026-2030 có 100% người cao tuổi có thẻ BHYT; khoảng 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.
TP.Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu giai đoạn 2022-2025 có 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát; 100% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định.
Để tạo sinh kế cho người cao tuổi, Hà Nội thực hiện hỗ trợ việc làm, hướng nghiệp đối với những người còn sức lao động. Đồng thời, hỗ trợ thí điểm mô hình khởi nghiệp phù hợp với người cao tuổi; hỗ trợ thí điểm mô hình sinh kế đối với gia đình cóngười cao tuổi, ưu tiên được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo việc làm, tăng thu nhập... Đồng thời, nghiên cứu các chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội theo khả năng, ngân sách của thành phố.
Nhằm tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi, Hà Nội sẽ thực hiện trợ giúp y tế như: Triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở trạm y tế tuyến xã, ưu tiên nhóm người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đến nhóm từ 65 tuổi trở lên. Hà Nội phát triển Khoa Lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố; phát triển mạng lưới nhân viên chăm sóc, thực hiện tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà và cộng đồng.
Một giải pháp quan trọng sẽ được TP.Hà Nội thực hiện là phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc và phục hồi chức năng cho người cao tuổi; trợ giúp người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, nghiên cứu, phát triển các công nghệ, công cụ, tài liệu hỗ trợ người cao tuổi sử dụng CNTT và truyền thông, truyền nghề, sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi...
Trong thời gian qua, nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã biết phát huy vai trò của người cao tuổi trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trên cơ sở rà soát danh sách nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, kết hợp với việc tham khảo ý kiến của tổ dân phố và chính quyền cơ sở, cơ quan BHXH đã động viên, khuyến khích một số cán bộ hưu trí, có uy tín trên địa bàn tham gia tuyên truyền về BHXH, BHYT. Tại một số hội nghị tuyên truyền, những cán bộ hưu trí đã giới thiệu kinh nghiệm bản thân, kể những câu chuyện cụ thể, những tình huống đời thường sinh động; qua đó giúp người dân hiểu rõ lương hưu và thẻ BHYT là chỗ dựa giúp người cao tuổi ổn định cuộc sống và được chăm sóc sức khỏe khi tuổi già sức yếu.
Việt Anh