Lăng Hồ Chủ Tịch những ngày này luôn có những dòng người nối dài vào viếng. Cũng trên quảng trường Ba Đình lịch sử này 70 năm trước, Bác Hồ đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Không khí tết Độc lập đậm đặc ở khu vực Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi 70 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945. Mọi tuyến đường xung quanh quảng trường được trang trí vô cùng lộng lẫy. Đến khu vực này, ký ức hào hùng của dân tộc như ùa về qua những thước phim tư liệu được phát trên màn hình lớn tại công viên Lê nin trên đường Điện Biên Phủ. Trước Quảng trường Ba Đình, lực lượng vũ trang cùng hàng trăm thanh, thiếu niên miệt mài luyện tập các công việc hướng dẫn, chuẩn bị cho ngày đại lễ; nhân viên môi trường cặm cụi cắt tỉa từng ngọn cỏ, quét dọn sạch sẽ từng góc phố, gốc cây.
Cách Quảng trường Ba Đình không xa, hồ Hoàn Kiếm lung linh níu chân du khách. Trong khu phố cổ, hoạt động giao thương diễn ra sôi động dưới bóng cờ hoa. Trước ngã năm Hàng Lược, một sân khấu nhỏ được dựng lên để những "cây văn nghệ" của phường Hàng Mã biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách vào buổi tối. Xem triển lãm ảnh "Hà Nội, những năm tháng không thể nào quên" đang được trưng bày tại khu vực này, Nguyễn Hà Trang, học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói: "Chúng cháu sinh ra trong thời bình, không thể hình dung qua bài học Thủ đô thân yêu trong những năm 1945, 1946 như thế nào, những hình ảnh chân thực tại đây giúp chúng cháu hiểu thêm về điều đó".
Tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (148 Giảng Võ, Ba Đình), rất nhiều người đã tới tham quan, tìm hiểu thông tin, hình ảnh, tư liệu về 70 năm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tương lai tươi sáng của dân tộc. Đa số háo hức trước mô hình tàu tên lửa, mô hình nhà văn hóa đa năng trên đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, mô hình trạm kinh tế - khoa học - dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam trong gian trưng bày của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những hình ảnh về chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) với những ghe thuyền chất đầy hoa quả, lương thực, thực phẩm tượng trưng cho sự no đủ, yên bình... của vùng đất phương Nam; những làn điệu xẩm, ca trù, chèo, tuồng, cải lương... cho cảm xúc về đời sống tinh thần phong phú cùng truyền thống văn hóa ngàn đời vẫn trường tồn trên đất Việt này.
Không khí rộn rã chuẩn bị đón tết Độc lập lan tỏa khắp Hà Nội, từ nội đô ra tới vùng xa. Ở xã Phú Cường (Ba Vì), nhiều nhà đã chuẩn bị lá dong gói bánh chưng, cắt lá chuối làm bánh nếp, bàn nhau "đụng lợn", gọi con cháu đi làm ăn ở xa về ăn Tết, tưởng nhớ tổ tiên cùng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước. Các cụ cao niên ở Phú Cường kể lại, kể từ năm 1945 đến nay, người dân Phú Cường tổ chức đón tết Độc lập gần như tết Nguyên đán. Trong những ngày này, người dân không quên treo cờ Tổ quốc, treo ảnh Bác Hồ ở những vị trí trang trọng. Sự cảm nhận về những tầng ý nghĩa sâu xa của ngày tết Độc lập, giá trị của hòa bình và mong muốn thế hệ trẻ kế thừa, phát huy truyền thống của quê hương, tích cực, hăng say xây dựng đất nước là rất rõ ràng.
Không tổ chức tiệc tết Độc lập như ở xã Phú Cường, đồng bào Mường, Dao ở 7 xã miền núi của huyện Ba Vì chào mừng 70 năm Quốc khánh bằng nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật. Liên tục từ ngày 31-8 đến 2-9, xã Ba Trại, Minh Quang, Khánh Thượng... biểu diễn văn nghệ, cồng chiêng, trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co), tổ chức thi đấu bóng chuyền, bóng đá phục vụ nhân dân. Tương tự, đồng bào Mường ở xã An Phú (Mỹ Đức); xã Yên Trung, Yên Bình (Thạch Thất), xã Phú Mãn (Quốc Oai)... sẽ được sống trong không khí ngày hội văn hóa, thể thao...
Mai Nga