Hiện nay, trên địa bàn các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên... xuất hiện ngày càng nhiều mô hình canh tác sử dụng ít hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Phong trào sản xuất sạch, phát triển kinh tế xanh đã và đang được triển khai rộng rãi ở các địa phương.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, những năm gần đây, công nghệ khí sinh học đã được ứng dụng rộng rãi trong chăn nuôi. Đến nay, Hà Nội đã có 75% số trại chăn nuôi bò sữa, 44% số trại chăn nuôi bò thịt và 95% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư sử dụng hầm biogas. Cùng với đó là hơn 1.000 trang trại, gia trại chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện các giải pháp gắn sản xuất với tăng trưởng xanh, không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp mà còn xây dựng được nhiều mô hình sản xuất như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tốt, an toàn (VietGAP)... mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường vẫn còn ít so với quy mô của ngành.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Sở đã ban hành Công văn số 2515/SNN-KHTC, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với việc phối hợp với các sở, ngành, địa phương vận dụng cơ chế hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, Sở giao Trung tâm Khuyến nông tập trung giải ngân nguồn vốn Quỹ Khuyến nông cho các mô hình sản xuất sạch; phối hợp các ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn cho việc đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường và chủ trì việc nghiên cứu xây dựng, phát triển các mô hình sử dụng hiệu quả phế thải nông nghiệp tại khu vực nông thôn. Cùng với đó, thông qua mạng lưới khuyến nông, sẽ thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất xanh...
Hà Trần