Mặc dù quyết liệt trong cưỡng chế nhưng hiện nay, Chi cục Thuế huyện Can Lộc còn khoản nợ 14,537 tỷ đồng của 23 doanh nghiệp không thể cưỡng chế. Các khoản nợ này chủ yếu từ các doanh nghiệp xây dựng cơ bản, ở các công trình xây dựng nông thôn mới.
Do chưa được thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, doanh nghiệp được phép khoanh nợ thuế, đến khi nào chủ đầu tư trả hết nợ công trình thì doanh nghiệp mới bắt buộc phải đóng thuế. Vì vậy, ngành thuế không thể cưỡng chế đối với các doanh nghiệp này.
Theo thống kê của Chi cục Thuế huyện Can Lộc, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước còn nợ 23 doanh nghiệp này là khoảng 200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách huyện khoảng 100 tỷ đồng; còn lại là nguồn vốn từ ngân sách xã, tập trung chủ yếu ở các xã: Phú Lộc (đường giao thông nông thôn, trạm y tế…); Yên Lộc (sửa chữa trường mầm non, nâng cấp đài tưởng niệm…); Khánh Lộc (Trạm y tế xã); Trung Lộc (xây dựng sân, đường, tường rào); Trường Lộc (đường giao thông nông thôn); Song Lộc (xây dựng nền mặt đường)…
Chính vì vấn đề này, ngành thuế không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi do chủ đầu tư chưa thanh toán nợ. Đây là khó khăn lớn đối với công tác cưỡng chế thu hồi nợ đọng của ngành thuế huyện Can Lộc.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thuế huyện Can Lộc đã cưỡng chế 2 doanh nghiệp, thu về hơn 670 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị cũng ban hành 751 quyết định cưỡng chế; trong đó, có 744 quyết định cưỡng chế qua tài khoản và 7 quyết định đình chỉ hóa đơn.
Hoàng Linh