Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển (thứ 2 bên trái) thăm và kiểm tra dây chuyền xử lý rác tại bãi rác Soi Nam
Lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp
Xuất phát từ yêu cầu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2013/QĐ-TTg ngày 22/4/2013 của Thủ tướng chính phủ, Quyết định số 1788QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 và yêu cầu giải phóng mặt bằng, cung cấp mặt bằng sạch cho dự án Khu đô thị mới phía đông thành phố Hải Dương, theo đó, yêu cầu cụ thể là: “Xử lý triệt để nguồn rác thải chôn lấp tại bãi rác Soi Nam, khôi phục môi trường khu vực bãi rác Soi Nam, trả lại mặt bằng sạch cho thành phố”.
Vườn cây và hoa trong khuôn viên xưởng xử lý rác được chăm bón bằng phân làm từ mùn rác thải
Bãi rác chôn lấp Soi Nam tại phường Hải Tân (thành phố Hải Dương) là một bãi rác chôn lấp được quy hoạch xây dựng từ năm 2000 với quy mô diện tích khoảng hơn 5 ha và khối lượng rác ở đây ước tính khoảng 1.245.000 m3, tuy rằng sau hơn 7 năm đóng cửa. Nhưng bãi rác vẫn trong tình trạng phân hủy phát sinh nước rỉ rác và mùi hôi ra môi trường xung quanh. Theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến nếu cứ để tồn tại như vậy, thì phải mất ít nhất 50 năm sau chúng ta mới có thể đưa quỹ đất đó khai thác trở lại được và người dân xung quanh vẫn phải sống chung với ô nhiễm.
Từ thực tế đó, Công ty Huy Hoàng Eco đã đề xuất phương án xử lý bãi rác Soi Nam tại chỗ bằng công nghệ xử lý vi sinh, sàng phân loại, mùn hữu cơ làm phân bón phục vụ cây trồng trong dự án thu hồi tái chế rác thải nhựa tại chỗ, đốt tiêu hủy các thành phần không phân hủy, không tái chế, tro xỉ sau đốt được tận dụng sản xuất gạch block với yêu cầu an toàn cho môi trường, sức khỏe người lao động và chi phí hợp lý phù hợp với điều kiện kinh tế của Hải Dương.
Giám đốc Công ty Huy Hoàng Eco hướng dẫn sơ đồ công nghệ xử lý nước thải
Kết quả thực tế mong đợi
Dự án xử lý bãi rác Soi Nam thuộc thành phố Hải Dương là dự án đầu tiên được thực hiện bằng công nghệ trên tại Việt Nam, tất cả các loại rác đều được phân loại thu hồi tái chế, xử lý triệt tại chỗ. Chính quyền địa phương không phải bố trí quỹ đất mới để di rời.
Giám đốc Công ty Huy Hoàng Eco bên vòi nước rác thải đã qua xử lý
Với tiến độ thời gian thực hiện được phê duyệt là 36 tháng vừa phải xây dựng nhà xưởng và xử lý khoảng 1.245.000 m3 rác, một khối lượng công việc khổng lổ, nhiều người trong lĩnh vực chuyên ngành rất lo ngại về tính khả thi của nó. Bởi để xây dựng một nhà máy xử lý rác với công xuất 1000 tấn/ngày đêm, chỉ riêng thời gian xây dựng cũng phải mất từ 2 - 3 năm mới có thể đưa vào vận hành.
Nhưng bằng tâm huyết của mình, Công ty Huy Hoàng Eco đã nỗ lực ngày đêm triển khai đồng bộ và quyết tâm thực hiện dự án trong vòng 24 tháng. Với thời gian xây dựng và chế tạo thiết bị là 6 tháng đã đưa vào vận hành, thời gian dự kiến xử lý hết 1.245.000 m3 rác đạt tiến độ đã đề ra.
Từ công nghệ tiên tiến đang được sử dụng trên thế giới, Công ty Huy Hoàng Eco đã nghiên cứu cải tiến cho phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Điểm mấu chốt trong công nghệ này đó là Công ty Huy Hoàng Eco đã thành công trong việc tự nghiên cứu và sản xuất được các chủng vi sinh vật dùng để ủ mùn rác và chế phẩm vi sinh khử mùi.
Toàn bộ từ phần công nghệ đến chế tạo máy móc thiết bị, nghiên cứu công nghệ, chế tạo lò đốt đến phần cơ khí lắp ráp, đều được Huy Hoàng Eco tự thực hiện tại hiện trường với một ý chí quyết tâm cao và khẩn trương. Sau 6 tháng thi công, công trình xử lý bãi rác Soi Nam đã đi vào hoạt động.
Sản phẩm hạt nhựa được tạo ra từ rác nilon, nhựa
Đưa chúng tôi đi tham quan kiểm tra nhà xưởng đang hoạt động, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về dây chuyền xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt rất thực tế và hiệu quả. Từ ngoài cổng nhà xưởng sân vườn, không hề có mùi hôi khó chịu hay khói bụi, mà trước mắt chúng tôi là vườn hoa, cây ăn quả xanh tốt, không có ruồi muỗi, côn trùng ở xung quanh khu vực nhà xưởng.
Đi vào bên trong - nơi các dây chuyền đang hoạt động, mọi người đều có cảm giác đây không phải là nơi đang xử lý rác thải, công việc mà lâu nay mọi người lo ngại về việc ô nhiễm môi trường. Thay vào đó là các dây chuyền hoạt động rất nhịp nhàng hiệu quả, Đầu tiên là dây chuyền sàng phân loại rác, được phân loại thành nhiều loại rác khác nhau, mùn sẽ được ủ thành phân bón dùng trong nội bộ dự án, rồi đến dây chuyền rửa, sấy tái chế rác nilon, nhựa. Đầu phía bên này là nilon nhựa bẩn, qua mấy khâu xử lý, đến đầu cuối đã là các bao hạt nhựa thành phẩm sạch sẽ dùng để sản xuất ống nhựa, dày dép…
Dây chuyền lò đốt cũng rất sạch sẽ, nhiệt độ buồng đốt thứ cấp luôn đạt 1.100℃, ống khói thải chỉ có làn hơi nước mỏng bay lên, xỉ than sau đốt được đóng thành gạch block. Dây chuyền xử lý nước rỉ rác được thiết kế trên các modun hợp khối, rất hiện đại theo yêu cầu nước xả thải đạt chuẩn cột B, nước ra rất trong và sạch, không hề có mùi hôi. Minh chứng cho điều đó, Giám đốc Công ty Huy Hoàng Eco đã dùng tay lấy nước rửa mặt và vục nước trên tay cho chúng tôi xem.
Từ khi công trình xử lý rác thải sinh hoạt tại bãi rác Soi Nam đi vào hoạt động, đã có nhiều đoàn đại diện lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chuyên môn của Hải Dương đến kiểm tra, giám sát, chứng kiến kết quả công nghệ xử lý rác của Công ty Huy Hoàng Eco.
Từ thực tế kết quả quan trắc sau 4 tháng hoạt động và thực tế tại hiện trường, cho thấy công nghệ xử lý rác thải của Công ty Huy Hoàng Eco là vô cùng hiệu quả, minh chứng cho trí tuệ Việt Nam, biết sáng tạo cải tiến công nghệ, vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam - mở ra một hướng đi mới đầy tính hiệu quả và khả thi về xử lý rác thải sinh hoạt. Công ty Huy Hoàng Eco thực sự đã biến rác thải sinh hoạt thành nguồn tài nguyên quý giá, đồng thời góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường ở các địa phương trên cả nước.
Sản phẩm gạch block được tạo ra từ công đoạn đốt rác
Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Công ty Huy hoàng Eco Phùng Văn Huy cho biết:
“Tôi đã đi các nước Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... Mặc dù họ xử lý rác thải rất thành công và công nghệ tiên tiến, nhưng nếu nhập khẩu nguyên mô hình đó về sẽ không phù hợp với tính chất của rác thải Việt Nam là rác không phân loại, có tỷ lệ hữu cơ và độ ẩm rất cao, đặc biệt không phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam nên rất khó có khả năng thu hồi vốn cho nhà máy.
Cho nên, không hy vọng ai mang công nghệ đến giúp chúng ta được. Với đặc thù rác của chúng ta thì chỉ có trí tuệ, người Việt Nam nghiên cứu cải tiến công nghệ phù hợp mới có thể xử lý được. Đó là động lực để chúng tôi ngày đêm nỗ lực nghiên cứu, chế tạo để có được kết quả bước đầu như ngày hôm nay”.
Tuấn Minh