Theo báo cáo từ Công ty cổ phần Lilama 69/3, vào khoảng 15h ngày 12/12, tại Nhà máy chế tạo thiết bị Lilama (xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), xảy ra vụ nổ bình oxy hóa lỏng khiến 2 người tử vong, 4 người bị thương.

Cụ thể, thời điểm xảy ra vụ việc tổ công nhân gồm có 7 người đang thực hiện nhiệm vụ lắp ráp 4 trục thép vào các vòng bi của cấu kiện. Trong quá trình thao tác đã xảy ra vụ nổ tại khu vực thi công khiến công nhân Nguyễn Minh Đức (SN 1981 ở Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) tử vong tại hiện trường và quản đốc phân xưởng Phạm Văn Nhất tử vong khi cấp cứu tại bệnh viện.

Báo cáo về vụ tai nạn lao động khiến nhiều người thương vongBáo cáo về vụ tai nạn lao động khiến nhiều người thương vong

Các nạn nhân bị thương gồm anh Phạm Mạnh Cường SN 1982 ở Ngọc Lâm, Tân Kỳ, Tứ Kỳ ( tổ trưởng); Phạm Văn Chức (SN 1965 ở xã Chí Minh, Tứ Kỳ); Nguyễn Văn Bền (SN 1990 ở Gia Lương, huyện Gia Lộc) và ông Vũ Văn Tuyên hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương.

Trước vụ tai nạn lao động nghiệm trọng trên dư luận đặt ra câu hỏi, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ nổ này theo quy định pháp luật?

Để làm rõ nội dung trên, trao đổi với PV, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vụ nổ bình Oxy hóa lỏng tại Nhà máy chế tạo thiết bị Lilama 69/3 đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là khiến 2 người chết, 4 người bị thương.

Hiện trường vụ nổ bình Oxy hóa lỏngHiện trường vụ nổ bình Oxy hóa lỏng

Do vậy, đối với tính chất nghiêm trọng nêu trên, các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra cần phải nhanh chóng tiến hành xác minh, điều tra nguyên nhân gây ra vụ nổ là gì? Đây là một tai nạn bất ngờ do yếu tố khách quan hay là do con người? Có hay không sự thiếu trách nhiệm, chủ quan lơ là của những người trực tiếp tiếp cận với bình ô xi hóa lỏng để dẫn đến gây nổ? Đối với công việc có tính rủi ro nêu trên thì nhà máy có trang bị đầy đủ cho người lao động để đảm bảo điều kiện an toàn lao động hay không?

Trường hợp phía nhà máy Lilama không thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn lao động thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định 95/2013 với mức xử phạt lên đến 10.000.000 đồng", Luật sư Hoàng Tùng cho biết.

Luật sư Tùng cho rằng, trường hợp có hành vi thiếu trách nhiệm nghiêm trọng của người quản lý trong nhà máy Lalima dẫn đến hậu quả nêu trên thì có thể bị truy cứu Trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 360 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Theo đó, mức phạt tù từ 3 đến 7 năm "Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao…2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm chết 2 người".

"Do tổ công tác thực hiện nhiệm vụ đang thao tác làm lạnh trục bằng bình oxy hóa lỏng, sử dụng bình oxy lỏng để làm co ngót trục lắp vào kết cấu thì xảy ra sự cố nổ bình oxy có đến 6 người. Vậy cần phải tiến hành xác minh vai trò của từng cá nhân trong công việc này? Trong quá trình thực hiện thì có ai vi phạm các quy định thực hiện công việc hoặc an toàn lao động hay không? Nếu có vi phạm thì còn tùy thuộc vào mức độ vi phạm để xử lý", Luật sư Hoàng Tùng cho biết.

Đồng thời, theo Luật sư Tùng, nếu đây chỉ là một tai nạn vì các yếu tố khách quan thì đây là tai nạn lao động. Sự cố nổ bình oxy hóa lỏng nêu trên xảy ra tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, gây thiệt hại về tính mạng và sức khỏe của người lao động. Do vậy, Nhà máy Lilama sẽ có trách nhiệm đối với với những người bị nạn theo quy định của pháp luật về tai nạn lao động và theo điều lệ của công ty.

"Nhà máy chế tạo thiết bị Lilama 69/3 sẽ phải chịu các khoản chi phí cứu chữa, điều trị, tiền lương,…đối với người lao động bị tai nạn chưa tử vong (Điều 144 Bộ luật Lao động năm 2012). Đối với 2 người tử vong thì ngoài chi phí nêu trên thì còn phải bồi thường thiệt hại cho thân nhân người lao động (điểm b khoản 3 Điều 145 bộ luật lao động) thì sẽ được bồi thường nhưng không được ít hơn 30 tháng lương theo hợp đồng lao động đã giao kết", Luật sư Tùng cho biết.

Ngoài ra, người lao động là nạn nhân của vụ nổ nêu trên đang đóng BHXH thì sẽ được hưởng các quyền lợi khác theo luật BHXH như: trợ cấp mai táng, chế độ tử tuất…

Tai nạn lao động là vấn đề thường xuyên xảy ra và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người lao động và còn ảnh hưởng rất đớn đến chất lượng lao động và sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, các quy định về đảm bảo an toàn lao động cần phải được chú ý sát sao hơn nữa từ cả phía chính quyền, người sử dụng lao động và cả người lao động", Luật sư Hoàng Tùng cho biết.

Báo Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bùi Tú