Báo Thương Hiệu và Công Luận số ra ngày 22/4/2015 có bài phản ánh tình trạng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trái phép tồn tại lâu nay tại tỉnh Hải Dương, đặc biệt là khu vực nông thôn. Ngay sau đó, Sở NN-PTNT Hải Dương đã tiến hành công tác thanh kiểm tra, phát hiện, yêu cầu tạm dừng kinh doanh đối với 241 cửa hàng thuốc BVTV vì không đủ điều kiện kinh doanh ...
Cụ thể, đơn vị này đã ra quân kiểm tra được 871/1.200 cơ sở kinh doanh tại 164 xã, phường của 8 huyện và TP Hải Dương. Qua kiểm tra, có 630 cơ sở cơ bản đủ điều kiện kinh doanh. Số cơ sở còn lại, do không đủ điều kiện kinh doanh đã bị lập biên bản, buộc tạm ngừng việc buôn bán. Cá biệt như tại huyện Thanh Miện, xã Chi Lăng Nam có 4 cơ sở thì 3 trong số đó không đủ điều kiện kinh doanh. Xã Tiền Phong, 6/7 cơ sở bị lập biên bản, tạm ngừng kinh doanh. Hầu như xã, phường nào khi kiểm tra đều phát hiện vi phạm.
Ông Phạm Nguyên Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hải Dương cho biết, qua kết quả kiểm tra cho thấy, việc quản lý hoạt động kinh doanh thuốc BVTV ở địa phương này còn nhiều khó khăn, bất cập. Hiện nay, thị trường có quá nhiều loại thuốc, người dân đôi khi ít quan tâm tới hướng dẫn, chỉ đạo của ngành chức năng, phun sao cho nhanh, tiện là được. Các đại lý kinh doanh phân chia thành nhiều cấp, chằng chịt. Theo quy định mới, không cần chứng chỉ hành nghề, người dân vẫn có thể mở cửa hàng bán thuốc BVTV. Điều kiện kinh doanh chỉ bao gồm, người bán có sức khỏe, có vị trí bán hàng cách xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, được đào tạo chuyên môn 3 tháng là được.
Tuy nhiên tình trạng “buôn thúng, bán mẹt” tại các vùng nông thôn Hải Dương vẫn diễn ra nhan nhản. Trước đó, PV đã về xã Lê Hồng (huyện Thanh Miện) để tìm hiểu. Tại khu chợ trung tâm xã, tình trạng quầy bán thuốc BVTV xen lẫn thực phẩm vẫn diễn ra. Những hộ này dù được chính quyền địa phương nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm.
Theo ông Hạnh, tình trạng này rất khó để giải quyết triệt để. Việc kinh doanh đôi khi chính quyền địa phương biết, nhắc nhở nhưng thiếu kiên quyết vì là chỗ làng xóm. “Chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, đề nghị UBND các xã tích cực hơn trong việc này”, ông Hạnh cho biết. Bên cạnh vấn đề kinh doanh thuốc BVTV, theo Sở NN-PTNT Hải Dương, hiện nay, công tác thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV cũng còn nhiều bất cập. Kinh phí xây dựng bể chứa vỏ thuốc BVTV còn hạn hẹp. Những xã thực hiện NTM, dù được xây dựng bể chứa nhưng việc sử dụng chưa hiệu quả. Người dân ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, Việc thu gom vỏ thuôc sau khi sử dụng chưa tốt,n hiều xã, bể chứa đầy nhưng lại thiếu kinh phí và phương án xử lý tiêu hủy.
Nguyễn Thuấn – Ngọc Linh (Thương hiệu & Công luận)