THCL Được áp dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, lò xử lý rác thải tại xã Cao An (Cẩm Giàng, Hải Dương) do UBND tỉnh Hải Dương đầu tư với mục đích xử lý triệt để rác thải sinh hoạt trong toàn xã. Tuy nhiên, khi vừa đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường, đe dọa trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Không khí ngột ngạt, khó thở
Theo phản ánh của nhiều người dân tại 2 xã Cẩm Định và Cao An (Cẩm Giàng, Hải Dương), nhiều ngày qua, họ luôn phải sống chung với không khí bị ô nhiễm nặng. Cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có gia đình phải rời đi nơi khác ở tạm thời vì làn khói đen dày đặc bốc lên từ lò xử lý rác được xây dựng tại địa phương.
Mỗi khi vận hành, khói độc tại lò xử lý rác bay khắp vùng
Bà Lê Thị Xuân, thôn Phú An, xã Cao An bức xúc: “Khói từ lò đốt rác bị gió thổi tạt vào nhà, khiến không khí ngột ngạt, khó thở. Mỗi lần họ vận hành, gia đình tôi lại phải di tản sang nhà anh em để tránh khói độc. Nhiều khi muốn ra vườn hái mớ rau, nhưng không thể chịu được mùi khét và khí độc của khói từ phía lò xử lý rác. Thậm chí, gia đình tôi còn phải bỏ nhà đi cả ngày, đến tối mới dám về…”.
Theo người dân sinh sống tại địa phương cho hay, lò đốt rác thường hoạt động từ 5h sáng đến 7h tối. Cứ cách khoảng 3 ngày lại có 3 - 4 xe ô tô trở rác từ nơi khác đến đây để xử lý, rác chất đầy trên xe ô tô đều là rác thải công nghiệp như sợi vải, cao su, dày da... của các công ty, nhà máy đóng trên địa bàn huyện. Trong khi đó, rác thải sinh hoạt của người dân thì không được xử lý mà đổ tràn lan trước cửa lò đốt.
Ông Đỗ Văn Quang, Trưởng thôn Đức Trạch, xã Cẩm Định cho biết: “Lò đốt rác thuộc địa phận đất xã Cao An, nhưng người dân trong xã Cẩm Định, đặc biệt là các thôn Đức Trạch và An Điềm lại chịu ảnh hưởng nhiều từ khí thải của lò đốt. Nhiều hộ dân trong thôn phản ánh khói đen dày đặc, nặng mùi làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con. Sắp tới, thôn sẽ kiến nghị lên UBND xã để có hướng giải quyết triệt để”.
Lò xử lý rác bị “biến tướng”?
Được biết, đây là lò xử lý rác được áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản, do UBND tỉnh Hải Dương đầu tư với số vốn nhiều tỷ đồng, được thí điểm ở thị trấn Lai Cách. Nhưng do địa bàn đặt không phù hợp nên đã chuyển vị trí sang xã Cao An. Lò xử lý rác này được xây dựng nhằm xử lý triệt để lượng rác thải sinh hoạt của người dân trong toàn xã. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con nơi đây, lò xử lý rác này đã bị “biến tướng” thành nơi đốt rác thải công nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Xe ô tô chở rác thải công nghiệp về đốt tại lò
Theo ghi nhận của phóng viên, tại lò xử lý rác này có 5 công nhân làm việc, rác thải công nghiệp được nhiều xe ô tô chở thẳng vào bên trong nhà máy để thiêu hủy. Phía cổng ra vào của lò đốt có một hố sâu chứa đầy rác thải để lâu ngày, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Ông Phạm Văn Thành, PCT UBND xã Cao An (Cẩm Giàng, Hải Dương)
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Cao An (Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết: “Lò xử lý rác triệt để mới đi vào vận hành thử nghiệm được hơn 1 tuần. Nhưng vì người dân không biết phân loại rác, khi đưa vào lò nhiều thực phẩm như rau, củ, quả... để lâu ngày không đốt được vì quá ẩm. Do vậy, bắt buộc phải cho thêm rác thải công nghiệp vào làm chất xúc tác cho... dễ cháy (!)?”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi “lò được xây dựng để xử lý rác sinh hoạt của người dân trong xã, nhưng tại sao lại xuất hiện những chuyến xe ô tô chở rác thải công nghiệp về đây xử lý?”, ông Thành biện minh: “Số lượng rác công nghiệp chỉ có 1 - 2 xe ô tô thêm vào để đốt thử nghiệm. Còn việc cách vài ngày lại có 3 - 4 xe rác chở về lò đốt thì tôi và cán bộ môi trường xã không hề hay biết. Tiếp nhận thông tin, xã sẽ cử người tới kiểm tra trực tiếp và có hướng xử lý”.
Trước thực trạng trên, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, huyện Cẩm Giàng cần nhanh chóng có biện phạm xử lý dứt điểm việc lò xử lý rác thải gây ô nhiễm, để người dân có thể yên tâm sinh sống, sản xuất.
Tuấn Ngọc – Vân Anh