Vô tư xả thải bẩn ra nơi nhà máy nước sạch lấy nước đầu vào
Hiện Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương – đơn vị được UBND tỉnh Hải Dương giao cho nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho nhân dân trên toàn địa bàn tỉnh đang lấy nguồn nước mặt tại các sông Thái Bình, Kinh Thầy, Đá Vách, … làm nguồn nước đầu vào để sản xuất kinh doanh nước sạch.
Tuy nhiên, thời gian qua, có hàng trăm nguồn nước xả thải chưa được xử lý đổ các con sông trên từ các hoạt động kinh doanh sản xuất của các công ty, cảng bãi kinh doanh than, vật liệu xây dựng, tàu thuyền, nước xả thải sinh hoạt của các khu dân cư… dẫn đến khiến nguồn nước đầu vào để sản xuất nước sạch bị ô nhiễm.
Những tàu thuyền neo đậu cạnh cửa hút nước tại Nhà máy Nước tại phường Việt Hoà, Tp Hải Dương
Điều đáng quan ngại, trên các tuyến sông lớn như sông Thái Bình, Kinh Thầy, Đá Vách, sông Luộc… được UBND tỉnh Hải Dương cấp phép cho khai thác ngồn nước mặt để phục vụ cho sản xuất nước sạch đang bị hàng loạt các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, khu vực nước thải sinh hoạt khu dân cư của các tổ chức và cá nhân xả thải thẳng ra sông khiến nguồn nước đầu nguồn bị ô nhiễm.
PV đã ghi nhận tại khu vực vi phạm đáng lo ngại, tồn tại nhiều năm nay nhưng không được xử lý đó là 2 khu vực hút nước từ sông Thái Bình phục vụ cho 3 nhà máy sản xuất nước sạch (Nhà máy nước Cẩm Thượng, Nhà máy sản xuất nước sạch số 1 và số 5, thuộc phường Cẩm Thượng và phường Việt Hoà, TP Hải Dương), có tổng công suất 125.000 m3/ngày đêm, sản xuất nước phục vụ trên 50% dân số toàn tỉnh.
Tàu chở cát, đất, đá neo đậu cạnh Nhà máy nước Tp Hải Dương xả dầu ra môi trường gây ô nhiễm.
Thực tế cho thấy, trong hành lang vùng bảo hộ chưa đầy tới 50m có những bãi kinh doanh vật liệu xây dựng đang hoạt động rầm rộ. Nhiều tàu thuyền neo đậu tùy tiện, đôi khi đỗ sát cửa hút nước, xả dầu nhớt xuống sông. Tiếp tục đi về phía khu vực thượng ngồn khoảng 300m, là cống xả nước thải chưa xử lý qua đê của phường Cẩm Thượng có mùi tanh và hôi thối, đang chảy trực tiếp ra sông. Được biết, đây cũng là khu vực ô nhiễm nhất và Công ty CP kinh doanh nước sạch Hải Dương đã kiến nghị nhưng chưa được xử lý.
Cũng vi phạm tương tự, khu vực thượng nguồn, hạ nguồn Nhà máy nước số 2, thị trấn Kinh Môn bị các lò vôi bao phủ. Trên thượng nguồn là hàng chục cơ sở kinh doanh than, quặng thép, quặng kẽm, bột đá…Trời mưa lớn, nước than, nước quặng chảy xuống sông, gây ô nhiễm nguồn nước đầu vào.
Điểm hút nước đầu vào của Nhà máy nước thị trấn Phú Thái, Nhà máy nước sạch Thanh Miện, Nhà máy nước sạch Đồng Lạc, cũng bị hàng chục điểm kinh doanh than, trồng rau, phun thuốc bảo vệ thực vật đã làm tăng sự ô nhiễm nguồn nước.
Kiến nghị không được xử lý
Trước thực trạng trên, Công ty CP kinh doanh nước sạch Hải Dương đã nhiều lần kiến nghị tới cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, những kiến nghị trên không được xem xét xử lý. Những con sông lớn của tỉnh Hải Dương là nguồn đầu vào để sản xuất nước sạch vẫn ngày đêm tiếp nhận hàng trăm nguồn xả thải và đang bị ô nhiễm.
Trao đổi với PV, ông Phạm Minh Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết: Ngày 9/9/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT (Thông tư 24), quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, có hiệu lực từ 26/10/2016.
Theo thông tư 24, hầu hết các cơ sở sản xuất nước sạch trên địa bàn tỉnh có phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt sử dụng nước mặt trên các tuyến sông là 800 m về phía thượng lưu và 200 m về phía hạ lưu so với điểm hút nước. Riêng khu vực lấy nước đầu vào từ sông Thái Bình phục vụ sản xuất nước sạch ở TP Hải Dương, vùng bảo vệ tới 1.000m về phía thượng lưu, 200m về phía hạ lưu.
Mặc dù, công ty đã kiến nghị nhiều lần về nguồn nước thải từ nhà máy, chất thải khu dân cư theo đường cống chảy ra sông Thái Bình nhưng không được quan tâm
Thực hiện Thông tư số 24, Công ty đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng quản lý đường thuỷ nội địa và các địa phương sở tại xây dựng phương án, khoanh định và thực hiện việc cắm mốc, đặt biển báo vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt thuộc phạm vi công trình của mình.
Tuy nhiên thực tế thì các bến bãi lại được cấp phép hoạt động quá gần, nước thải từ các nhà máy, khu dân cư lại được xả trực tiếp vào khu vực vùng bảo hộ khiến nguồn nước đầu vào các nhà máy đang bị ô nhiễm gây khó khăn trong công tác xử lý nước sạch.
Để bảo vệ nguồn nước đầu vào cho các nhà máy sản xuất nước sạch, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương và các sở ban ngành rà soát các công trình cấp phép nằm trong hành lang bảo vệ từ đó có phương án di rời và có biện pháp ngăn chặn tình trạng xả thải tràn lan.
Bùi Tú