Kênh Bắc Nam Hùng ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm nay, đe dọa nguồn nước sạch ở sông RếKênh Bắc Nam Hùng ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm nay, đe dọa nguồn nước sạch ở sông Rế (Ảnh: PV)

Hàng trăm điểm xả thải gây ô nhiễm nguồn nước

TP. Hải Phòng có 6 hệ thống cung cấp nguồn nước ngọt là sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng. Cơ bản chất lượng nước tại các nguồn nước ngọt hiện nay vẫn đang đảm bảo theo quy chuẩn Việt Nam về nước mặt.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt đang có xu hướng tăng lên, chỉ tiêu như Mangan, Nitrit, các chất hữu cơ, Amoni, dầu mỡ và coliform năm 2018, 2019 đều tăng cao, vượt quy chuẩn cho phép về chất lượng nước mặt.

Qua khảo sát của ngành chức năng, trên địa bàn thành phố hiện có 467 doanh nghiệp xả nước thải vào nguồn nước ngọt của thành phố (hệ thống công trình thủy lợi) nhưng đến nay mới có 98 doanh nghiệp được cấp giấy phép. Ngoài ra còn có 44 doanh nghiệp nằm trong hai cụm công nghiệp (CCN) chưa được cấp giấy phép xả nước thải.

Nguồn ô nhiễm tiềm ẩn nữa là từ các làng nghề. Theo thống kê trên địa bàn thành phố có 39 làng nghề với nhiều loại hình nghề khác nhau, hầu hết các làng nghề sản xuất với quy mô hộ gia đình, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, phân tán trên địa bàn rộng, điều kiện hạ tầng còn thiếu thốn, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, trình độ lao động hạn chế.

Trong số này, mối lo ô nhiễm nguồn nước thô trên sông Rế đang là vấn đề được người dân rất quan tâm khi hiện trạng mức độ ô nhiễm nguồn nước thôn sông Rế gia tăng nhanh theo từng năm, theo mùa vụ, nhất là mức độ ô nhiễm về tạp chất hữu cơ, gây ra khó khăn, tốn kém trong công tác sản xuất nước sạch.

Theo công ty CP Cấp nước Hải Phòng, nguồn nước này có xu hướng gia tăng tình trạng ô nhiễm. Các chỉ tiêu về Amoni, Nitrit, hữu cơ nhiều thời điểm vượt ngưỡng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt và tăng cao so với các năm trước.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý nước

Ông Cao Văn Quý, Phó TGĐ công ty CP Cấp nước Hải Phòng cho biết:

"Để duy trì ổn định nguồn nước thô cho sản xuất nước sinh hoạt, công ty này đã tích cực kết hợp với các công ty khai thác công trình thủy lợi, các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các diễn biến về chất lượng nước thô từ đầu nguồn đến các điểm thu nước. Thực hiện quy trình vận hành, thau đảo nguồn nước hợp lý.

Ngoài ra, chúng tôi đã chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý nước, như công nghệ lọc sinh học tiếp xúc UBCF tại huyện Vĩnh Bảo; tiếp tục xây dựng, lắp đặt tại nhà máy nước An Dương”.

Kết quả quan trắc trong thời gian vừa qua cho thấy, nguồn nước ngọt tại các sông Đa Độ, sông Giá, sông Rế, sông Chanh Dương cung cấp cho sản xuất nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố ngày càng gia tăng ô nhiễm do các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, các làng nghề, nguồn thải từ các bệnh viện, các nghĩa trang nằm dọc theo các bờ sông, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các bãi rác, nước thải sinh hoạt gây ra.

Hàm lượng các chất Mangan, Amoni, Nitrit, Nitrat và Coloform trong nước nguồn luôn biến động thất thường với chiều hướng gia tăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước. Quá trình nước biển dâng cộng với sự thiếu hụt nước đầu nguồn dẫn tới tình trạng nhiễm mặn của hệ thống các sông cung cấp nước thô cho sản xuất nước sạch, tình trạng trên đã diễn biến ở tất cả các sông cung cấp nước ngọt tại Hải Phòng. Mặc dù có thời điểm các mẫu nước thô không đạt QCVN 08:2015 của Bộ TN&MT, nhưng các kết quả phân tích mẫu nước sau xử lý đều đạt theo quy chuẩn QCVN 01: 2009 của Bộ Y tế.

Ông Cao Văn Quý cho biết thêm: Công ty thực hiện các dự án nâng cao năng lực của hệ thống cấp nước, đảm bảo độ tin cậy và an toàn vận hành cho các hệ thống cấp nước.

Trước tình hình các nguồn nước của TP. Hải Phòng đang có rất nhiều nguy cơ ô nhiễm, công ty đang đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xử lý nươc phù hợp: Công nghệ bể lọc tiếp xúc sinh học UBCF (hiện đã áp dụng tại các Nhà máy nước Vĩnh Bảo 1, Vĩnh Bảo 2 và Nhà máy nước An Dương); công nghệ xử lý ô nhiễm mangan bằng cát bọc mangan…

Thực hiện đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng nhu nâng cao chất lượng nguồn nước sạch cho người dân và các cơ quan, doanh nghiệp là điều tất yếu.

Việc nâng cao công suất, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng cao của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp cũng là khách quan. Về lâu dài, giúp tạo thị trường cạnh tranh trong việc sản xuất, cung ứng nước thô cũng như nước sạch.

Duyên Nga