Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, đứng thứ tư cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Trong 02 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5,1 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; sản lượng hàng hóa qua cảng: ước đạt 22,2 triệu tấn, tăng 6,62% so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm hiện nay, Hải Phòng đã có 950 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt 30,04 tỷ USD. Khối doanh nghiệp có vốn FDI cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã phát huy vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Mới đây, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2024. Kế hoạch có mục tiêu cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh của Hải Phòng để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Tuy nhiên, dù không gian đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cộng đồng doanh nghiệp có nhiều nỗ lực, chủ động vượt qua thách thức, đóng góp vào thành công trong hoạt động thương mại quốc tế nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến hoạt hoạt động xuất nhập khẩu, logistics và chuyển đổi số.
Tại Hội nghị, có 78 kiến nghị thuộc 8 nhóm lĩnh vực của cộng đồng doanh nghiệp, đó là: vướng mắc đối với chính sách quản lý chuyên ngành; quy định pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; Đề xuất thành phố xem xét miễn, giảm phí cơ sở hạ tầng, dịch vụ cảng biển của thành phố và phối hợp giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả thu phí; kiến nghị phản ánh về tình trạng các cước vận tải biển tăng cao, các loại phí, phụ phí liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu do các hãng tàu nước ngoài, các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng quy định cao bất hợp lý (như phí CIC, phí nâng hạ, cược vỏ container, vệ sinh container,...), thực trạng ùn tắc tại các bãi cấp/trả vỏ container rỗng; công tác Chuyển đổi số của thành phố nói chung và các Sở/Ban/Ngành nói riêng; Trình tự thủ tục, quy định cấp C/O; đề xuất liên quan việc nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối với hệ thống cảng biển nhằm phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố; thời gian thực hiện quy trình, thủ tục của một số cơ quan quản lý chuyên ngành trên địa bàn thành phố; về xây dựng nhà ở xã hội, nhà trẻ tại các Khu công nghiệp.
Lãnh đạo thành phố và các Sở, ngành liên quan trực tiếp trả lời những khúc mắc, chỉ rõ hướng giải quyết cũng như tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
Bế mạc Hội nghị, thay mặt lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường khẳng định: thành phố sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp có được những điều kiện tốt nhất, môi trường kinh doanh tối ưu nhất để hoạt động, cùng chung tay xây dựng Hải Phòng trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của cả nước. Với vai trò là lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp của Hải Phòng sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đóng góp và tạo nhiều dấu ấn hơn nữa trong quá trình đổi mới và phát triển, góp phần cùng thành phố đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 15/10/2020 của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng trao tặng Bằng khen cho 48 doanh nghiệp có vốn FDI có thành tích xuất sắc trong xuất khẩu, đóng góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Quỳnh Nga