Chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã chia sẻ những thông tin về xu hướng quy hoạch và phát triển đô thị thông minh
Tại Hội thảo “Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh” được tổ chức mới đây, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon cho biết, các giải pháp công nghệ thông minh là một lựa chọn đúng đắn nhằm hỗ trợ các thành phố lớn tại Hàn Quốc cũng như Việt Nam ứng phó với tác động từ quá trình đô thị hóa.
Theo Đại sứ, Hàn Quốc là đối tác phù hợp với Việt Nam trong lĩnh vực này. Nhiều tỉnh thành Việt Nam đã và đang trở thành cứ điểm tập trung lượng lớn doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc. Trên nền tảng những dự án đầu tư công nghệ cũng như sự tin cậy trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, hai nước có nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng và hiệu quả trong lĩnh vực đô thị thông minh.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị đang gây áp lực lên hệ thống giao thông, giao thông công cộng chưa phát triển, kết nối giao thông giữa các khu vực còn yếu, việc phát triển giao thông thông minh, đô thị thông minh ngày càng cấp bách.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh khẳng định, hội thảo là một trong những cơ hội để triển khai đề án về Đô thị thông minh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 8 vừa qua. Tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa gần 38% và ước tính 813 đô thị, đòi hỏi công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng, dịch vụ kĩ thuật ngày càng được quan tâm.
Đề cập tới Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, ông Trần Ngọc Linh, Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) cho hay, phát triển đô thị thông minh trên thế giới rất khác nhau, tùy thuộc vào trình độ phát triển, năng lực khoa học kỹ thuật và tiềm lực kinh tế của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, phát triển đô thị thông minh bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, khai thác và phát huy các tiềm năng và lợi thế trong giai đoạn phát triển hiện nay. Mục tiêu hướng tới năm 2025 sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định quy phạm pháp luật; thí điểm áp dụng hệ thống hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch đô thị và hệ thống tra cứu thông tin quy hoạch đô thị tại ít nhất 3 đô thị từ loại II trở lên; hỗ trợ ít nhất 6 đô thị/6 vùng kinh tế phê duyệt Đề án.
Tới năm 2030, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và triển khai áp dụng trên diện rộng.
Đề án cũng chỉ ra các triển vọng hợp tác với các đối tác trong việc xây dựng nền tảng pháp lý, cơ sở dữ liệu không gian đô thị, quy hoạch/quản lý đô thị thông minh, cũng như xây dựng hạ tầng đô thị thông minh…
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã chia sẻ những thông tin về xu hướng quy hoạch và phát triển đô thị thông minh. Đồng thời, chuyên gia hai nước đã tập trung thảo luận xung quanh các chủ đề: Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam; Xây dựng chính quyền điện tử và TP. Hà Nội thông minh; Trung tâm đô thị thông minh Việt – Hàn hỗ trợ quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh…
Năm 2013, Hàn Quốc cho ra mắt thương hiệu U-City (thành phố mọi nơi) – thương hiệu riêng của Hàn Quốc. Tổng cộng đã có 228 giải pháp đô thị thông minh trong 11 lĩnh vực, bao gồm giao thông/phòng chống tội phạm/môi trường/năng lượng.
T.Nguyên