Nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 sẽ đảm bảo cho Forever 21 vẫn được giữ quyền kiểm soát và sở hữu tài sản của mình trong khi tiến hành tái cấu trúc.
Theo đó, F21 sẽ đóng cửa 350 trên tổng số khoảng 800 cửa hàng trên khắp thế giới, trong đó riêng tại Mỹ, thị trường lớn nhất của chuỗi bán lẻ thời trang này, sẽ có 178 cửa hàng bị đóng. Dù vậy, Forever 21 vẫn sẽ tiếp tục vận hành trang web và hàng trăm cửa hàng tại Mỹ, cũng như các cửa hàng ở Mexico và Mỹ Latinh.
Theo CNBC, Forever 21 cho biết đã nhận được 275 triệu USD từ JPMorgan Chase và 75 triệu USD từ TPG Sixth Street Partners để hỗ trợ hoạt động trong thời gian xin bảo hộ phá sản.
Chuỗi thời trang bán lẻ có trụ sở tại California khẳng định việc đệ đơn phá sản không có nghĩa là họ sẽ rời bỏ thị trường Mỹ.
Hãng thời trang toàn cầu Forever 21 chính thức tuyên bố phá sản
Phó chủ tịch điều hành của F21 Linda Chang cho biết: "Đây là bước đi quan trọng và cần thiết để đảm bảo tương lai của F21, điều này sẽ cho chúng tôi cơ hội tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, tái định vị thương hiệu".
Theo bà Chang, công ty đã mở rộng quá nhanh, phủ sóng 47 quốc gia chỉ trong chưa đầy 6 năm và vô tình gây ra sự "phức tạp về lợi nhuận và quản lý".
Ngoài ra, sự thay đổi nhanh chóng của công nghiệp bán lẻ cũng như sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã khiến doanh nghiệp này đối mặt với nhiều khó khăn.
Forever 21 được thành lâp vào năm 1984 dưới sự sáng lập của vợ chồng người gốc Hàn là ông Do Won Chang và bà Jin Sook Chang. Sản phẩm của hãng thời trang này nhắm đến những người trẻ mang phong cách đầy năng lượng và ngọt ngào.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các cửa hàng tại nhiều nơi trên thế giới lần lượt đóng cửa như một phản ứng dây chuyền. Cụ thể, năm 2016, Forever 21 "nói tạm biệt" với thị trường Bỉ. Hai năm sau hãng này bắt đầu đóng cửa nhiều cửa hàng bản lẻ ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ngay cả cửa hàng hàng đầu ở Nhật cũng không thoát khỏi số phận.
Ngọc Linh