Hành trình phát triển thương hiệu
Thương hiệu Cảng Đà Nẵng thuộc Công ty cổ phần (CTCP) Cảng Đà Nẵng, chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP từ ngày 25/07/2014, có trụ sở chính tại số 26 Bạch Đằng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
Với vốn điều lệ đăng ký của Công ty là 990 tỷ đồng, tương đương 99 triệu cổ phần (mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng). Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là: Các dịch vụ khai thác cảng biển như dịch vụ bốc xếp hàng hóa và container, dịch vụ giao nhận hàng hóa, khai thuế hải quan, đóng gói, nâng hạ container, cho thuê kho...
Ngày 30/11/2016, CTCP Cảng Đà Nẵng chính thức niêm yết 66 triệu cổ phiếu (MCK: CDN) trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) với tổng giá trị đăng ký niêm yết 660 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 24.900 đồng/cổ phiếu. Việc niêm yết cổ phiếu CDN trên HNX đánh dấu một bước tiến mới của Cảng Đà Nẵng, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của công ty trong thời gian tới.
Hội đồng quản trị (HĐQT) hiện nay của doanh nghiệp này gồm: Ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch HĐQT; ông Trần Lê Tuấn, Tổng Giám đốc; ông Phan Bảo Lộc; ông Nguyễn Hoài An; ông Tô Minh Thuý; bà Hoàng Ngọc Bích; ông Wang Chil Shiang.
Tính đến nay, Cảng Đà Nẵng có 02 cổ đông lớn đổ vốn vào doanh nghiệp nhiều nhất là Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam - CTCP với 742 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 75%) và Wan Hai Lines (đến từ Đài Loan) là 200 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 20,28%). Trong đó, ông Nguyễn Đình Chung và ông Nguyễn Hoài An là người có liên quan trực tiếp với Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam. Ông Wang Chil Shiang (người Đài Loan) là người có liên quan đến tổ chức Wan Hai Lines.
Cảng Đà Nẵng là công ty con của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam được thành lập năm 1995 và sau đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt đề án chuyển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và Quyết định số 217/2006/QĐ-TTg về thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Đến ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Ngày 20/6/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và doanh nghiệp này đã thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và hoàn tất việc bán cổ phần lần đầu vào tháng 10/2018.
Đến ngày 08/10/2018, cổ phiếu của Tổng công ty Hàng hải bắt đầu được giao dịch trên sàn Upcom với mã cổ phiếu là MVN. Tổng công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và trở thành công ty đại chúng vào năm 2020.
Doanh nghiệp có vốn điều lệ đạt 12.005 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp Nhà nước chiếm 11.942 tỷ đồng (tỷ lệ 99,47%) và cổ đông khác chiếm 63,7 tỷ đồng (tỷ lệ 0,53%). Thành viên HĐQT của Tổng công ty gồm có 5 người là: Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc; Đỗ Tiến Đức; Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch HĐQT của Cảng Đà Nẵng; Đỗ Hùng Dương.
Tính đến nay, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có đến 19 công ty con và 14 công ty liên kết. Trong đó, danh sách 19 công ty con của doanh nghiệp này là:
Vậy, Cảng Đà Nẵng kinh doanh ra sao mà nợ phải trả, nợ xấu ngày càng "phình to"?
Về bức tranh tài chính của Cảng Đà Nẵng (CDN), theo tìm hiểu của Thương hiệu và Công luận, lợi nhuận của doanh nghiệp có sự tăng trưởng tương đối ổn định, đặc biệt là những năm trở lại đây (giai đoạn từ 2015 – 2022).
Trong giai đoạn từ năm 2011-2014, từ mức lợi nhuận ròng ở mức 1 con số vào năm 2011, năm 2012 lợi nhuận sau thuế của CDN tăng lên gấp đôi và tăng gấp 2,7 lần vào năm 2013.
Tuy nhiên, lại sụt giảm nhẹ về mức 44 tỷ đồng vào cuối năm 2014. Năm 2015 lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Cảng Đà Nẵng bứt phá mạnh lên 131 tỷ đồng. Cũng kể từ đó, lợi nhuận của Cảng Đà Nẵng được duy trì ở mức 3 con số cho tới thời điểm hiện tại.
Riêng trong năm 2022, Cảng Đà Nẵng ghi nhận doanh thu thuần gần 1.196 tỷ đồng, lãi ròng hơn 271,5 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là gần 11% và 12%.
Năm 2022, nợ phải trả của Cảng Đà Nẵng cũng tăng 54% từ mức 307 tỷ đồng năm 2021 lên mức 473 tỷ đồng năm 2022. Cần phải nói rằng, nợ phải trả của CDN càng ngày càng “phình to”. Cụ thể, năm 2015, nợ phải trả của CDN ghi nhận 178 tỷ đồng và con số nhích dần lên đến thời điểm quý III/2023 đạt 530 tỷ đồng nợ phải trả.
Đồng thời, Cảng Đà Nẵng còn dính phải những khách hàng thuộc nhóm nợ xấu khó đòi nhiều năm nay như: Công ty cổ phần thép Dana – Úc, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải hàng hải Thiên Ý. Nợ xấu và nợ khó đòi của doanh nghiệp tính đến cuối năm 2022 hơn 3,7 tỷ đồng (giá trị có thể thu hồi là 330 triệu đồng). Trong đó, khoản nợ lớn nhất có giá trị tới hơn 2,3 tỷ đồng nằm tại Công ty cổ phần Thép Dana – Úc và hơn 729 triệu đồng nằm tại Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hàng hải Thiên Ý.
Báo cáo tài chính của Cảng Đà Nẵng năm 2022 cũng cho thấy, vay và nợ thuê tài chính tăng 63,3%, kéo theo chi phí lãi vay giảm 12% so với đầu năm xuống 8,9 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty đạt hơn 2.059 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm.
Về lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 904 tỷ đồng (tăng 4,8 % so với cùng kỳ năm 2022). Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2023 của Cảng Đà Nẵng đạt 205 tỷ đồng (tăng 8 tỷ đồng so với kỳ năm 2022).
Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp này trong quý III/2023 ghi nhận 233,6 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 136,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái cũng ghi nhận mức âm 74,8 tỷ đồng). Dòng tiền này ghi nhận con số âm là do trong năm 2022, doanh nghiệp này đã mạnh tay cho việc mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác (175 tỷ đồng) và Tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác (93,4 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, dòng tiền tài chính của Cảng Đà Nẵng cũng ghi nhận con số âm 100 tỷ đồng. Do vậy, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 3 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái âm hơn 12,3 tỷ đồng). Vào hồi quý đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp này trong quý I/2023 ghi nhận ở mức âm 29 tỷ đồng (trong khi đó cùng kỳ năm trước đạt 9 tỷ đồng). Dòng tiền đầu tư cũng ghi nhận âm 28 tỷ đồng. Dòng tiền tài chính của Cảng Đà Nẵng cũng ghi nhận con số 48 tỷ đồng. Đây là dòng tiền thu được từ việc đi vay.
Về cơ cấu nguồn vốn của Cảng Đà Nẵng trong quý III/2023 rất ổn định khi vốn chủ sở hữu vẫn chiếm chủ đạo với 1.620 tỷ đồng, trong khi đó nợ chỉ ở mức 530 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2023, cơ cấu hình thành nên tài sản ngắn hạn đạt 972 tỷ đồng chủ yếu dựa vào tiền và các khoản tương đương tiền (gần 100 tỷ đồng); các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 546 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 248 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 546 tỷ đồng này là tiền gửi có kỳ hạn 4 tháng đến 12 tháng có giá trị 546 tỷ đồng được gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần với lãi suất 4,5% đến 9,2%. Ngoài ra, chi phí xây dựng cơ bản dở dang từ hồi đầu năm cho đến nay ghi nhận sự tăng mạnh từ 77 tỷ đồng lên 119 tỷ đồng. Đây là chi phí mà Cảng Đà Nẵng đang tiến hành xây dựng các dự án như; Trung tâm logistics Hoà Vang(23 tỷ đồng); khu bãi sau cầu cảng số 4,5 và một số công trình khác.
Nợ xấu và nợ khói đòi của doanh nghiệp tính đến hết quý III/2023 hơn 3,1 tỷ đồng, dự phòng với số tiền là 2,9 tỷ đồng (giá trị có thể thu hồi là 168 triệu đồng).
Tại thời điểm ngày 30/09/2023, Cảng Đà Nẵng có hơn 316 tỷ đồng khoản vay ngắn hạn và dài hạn tại ngân hàng và Qũy Đầu tư Phát triển – TP Đà Nẵng. Cụ thể, tại khoản vay ngắn hạn: Vào hồi đầu năm 2023, Cảng Đà Nẵng ghi nhận 10,5 tỷ đồng tại Ngân hàng PT VN-CN Đà Nẵng (VDB), tuy nhiên đến thời điểm 30/09/2023 không còn ghi nhận khoản vay này nữa. CDN còn ghi nhận hơn 2,7 tỷ tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (hồi đầu năm chưa thấy trong BCTC) và hơn 27,5 tỷ đồng tại Qũy Đầu tư Phát triển – TP. Đà Nẵng.
Tại khoản vay dài hạn: Hơn 15,7 tỷ đồng ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và hơn 270 tỷ đồng tại Qũy Đầu tư Phát triển – TP. Đà Nẵng với tổng số tiền là 286,5 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 20% vốn ở Cảng Đà Nẵng như thế nào?
Giao dịch "thỏa thuận khủng" ngày 22/03/2019 tại CDN khiến nhà đầu tư không khỏi thắc mắc về việc những ai là người góp mặt trong giao dịch này, ai là người bán và ai là người mua?
Theo tìm hiểu, Wan Hai Lines - một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới - thông qua Wan Hai Lines (Singapore) Pte. Ltd đã mua 19,83 triệu cổ phiếu CDN trong phiên giao dịch ngày 22/03/2019, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại Cảng Đà Nẵng lên 19.835.000 cổ phiếu, chiếm 20,04%. Tỷ lệ sở hữu này đưa hãng vận tải biển này trở thành cổ đông lớn thứ hai tại CTCP Cảng Đà Nẵng, sau Tổng công ty Hàng hải VN (chiếm 75% cổ phần).
Theo dữ liệu trên HNX, đây là giao dịch thỏa thuận với giá thỏa thuận bình quân 20.000 đồng/cổ phiếu (tương ứng tổng số tiền Wan Hai Lines bỏ ra 396,6 tỷ đồng). Trong đó, giao dịch bán ra lớn nhất có khối lượng lên tới 5,85 triệu cổ phiếu và giao dịch có khối lượng khớp lệnh (thực hiện xong thoả thuận giữa bên mua và bên bán) thấp nhất là 3,48 triệu cổ phiếu. Số tiền Wan Hai Lines bỏ ra mua cổ phần CDN ước tính gần 400 tỷ đồng.
Cùng ngày, HNX đăng tải thông tin, hai cá nhân trong danh sách cổ đông lớn của cảng Đà Nẵng là bà Lâm Thị Mai đã bán hết toàn bộ 5,85 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,91%) và ông Vũ Văn Hải đã bán hết 5,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,76%). Khối lượng cổ phiếu bán ra của hai cổ đông này trùng khớp với 2 trong 4 giao dịch khớp lệnh trong phiên giao dịch ngày 22/03/2019 tại HNX.
Dù câu chuyện đã sáng tỏ phần nào, những 02 giao dịch với khối lượng lần lượt là 4.8 triệu cổ phiếu và 3.48 triệu cổ phiếu vẫn sẽ còn là ẩn số. Vì với lượng sở hữu này, cổ đông sẽ không phải công bố thông tin giao dịch, trừ khi đây là giao dịch của cổ đông nội bộ.
Được biết, Wan Hai Lines (Singapore) Pte Ltd được thành lập vào năm 1991, là công ty con của Wan Hai Lines (Đài Loan - thành lập năm 1965). Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp này là vận tải biển quốc tế; đại lý vận tải biển; dịch vụ lưu trữ container; bán cho thuê tàu và container.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu CDN đang dừng ở mức 26.000 đồng/cổ phiếu tại ngày 13/10/2023. Thị giá vốn hóa trên thị trường vào khoảng 2,574.00 tỷ đồng.
Hồi tháng 04/2023, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của CTCP Cảng Đà Nẵng đã thông qua việc đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (giai đoạn khởi động) với tổng mức đầu tư lên khoảng 7.400 tỷ đồng. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ: “Dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu, giai đoạn khởi động do Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng làm chủ đầu tư có quy mô 2 bến có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn giảm tải, 50.000 tấn đủ tải; thời gian thực hiện từ 2017-2024 và đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023 hoặc 2024".
Ngày 14/07/2023, tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Công Thương, ông Trần Lê Tuấn - Tổng Giám đốc CDN cho biết: Công ty đang gửi hồ sơ đề xuất Bộ KH&ĐT tham gia đầu thầu vào xây dựng bến cảng tại Cảng Liên Chiểu (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). "Cảng Đà Nẵng vẫn đang đợi chủ trương chính thức về việc xây dựng số lượng bến cảng tại cảng Liên Chiểu. Cảng Đà Nẵng kỳ vọng sẽ làm được 02 bến hoặc 04 bến tại cảng Liên Chiểu để dần thay thế cảng Tiên Sa", ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, hiện vốn Nhà nước tại CTCP Cảng Đà Nẵng chiếm 75%. Nếu Cảng Đà Nẵng không tham gia làm được tại cảng Liên Chiểu thì vốn Nhà nước tại cảng bị giảm. Mọi thiết bị, đầu tư tại Cảng Đà Nẵng hiện đang phục vụ cho công năng là vận chuyển hàng hóa. Khi chuyển sang công năng phục vụ du lịch mà không có cảng hàng hóa thay thế thì nguy cơ giảm vốn, mất vốn nhà nước ở Cảng Đà Nẵng là rất lớn.
Thương hiệu và Công luận tiếp tục thông tin đến bạn đọc...
Thanh Hải