Lễ trình trâu phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng
Lễ trình trâu phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng (Ảnh: Kim Huệ)
Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mồng chín tháng Tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng chín tháng Tám thì về chọi trâu.

Không biết tự bao giờ, câu ca dao về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã ăn sâu vào tiềm thức con người trên dải đất hình chữ S xinh đẹp.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không chỉ đơn thuần là món ăn tinh thần riêng của người Đồ Sơn, đây còn là niềm tự hào của cả con người miền biển Hải Phòng. Lễ hội được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/12/2012.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, còn gọi là đấu ngưu, là một tập tục cổ, có từ xa xưa, là lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng, diễn ra vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Lịch sử lễ hội chọi trâu gắn liền với nhiều truyền thuyết được người dân truyền miệng suốt hàng ngàn năm qua như: Thần tích Tước Điểm Đại Vương; Huyền tích Đền Bà Đế; Thần tích cá Kình; Khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu.

Thực hiện nét đẹp truyền thống và các hoạt động nghi lễ chuẩn bị trước lễ hội chính, mầy ngày qua (từ mồng 7,8,9,10/6/2023) các chủ trâu của ở các phường trên địa bàn quận Đồ Sơn đã thực hiện Nghi lễ trình trâu, ghi nhận một số hình ảnh của phóng viên Thương hiệu và Công luận (ảnh: Kim Huệ):

Lễ trình trâu của phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Hải Phòng
Lễ trình trâu của phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Hải Phòng
Lễ trình trâu tại đình Ngọc Xuyên, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng
Lễ trình trâu tại đình Ngọc Xuyên, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng

Nói về trình tự để con trâu bình thường trở thành các “Ông trâu” tham gia lễ hội, đó là cả một nét đẹp văn hóa, thể hiện sự tôn ti trật tự có trên có dưới. Để hiểu thêm về các nghi thức, các phần lễ bắt buộc mà các ông trâu phải trải qua trước khi được tham gia vào hội chính ngày mồng 9/8 âm lịch, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã có buổi gặp gỡ Nghệ nhân dân gian về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Hoàng Gia Nhật(Bổn).

Chia sẻ với phóng viên, Nghệ nhân dân gian về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn – Hoàng Gia Nhật (Bổn) nói:

Nghệ nhân dân gian về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Hoàng Gia Nhật(Bổn) chia sẻ với phóng viên THCL
Nghệ nhân dân gian về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Hoàng Gia Nhật (Bổn) chia sẻ với phóng viên THCL (Ảnh: Kim Huệ)

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng là một lễ hội độc nhất vô nhị, mảnh đất Đồ Sơn được ví như nơi “sơn cùng thủy tận”, con người Đồ Sơn thì luôn “đi trước về sau”. Qua nhiều tư liệu được tìm thấy và hình thức truyền miệng, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã có từ cách đây hàng ngàn năm, cụ thể từ thời điểm nào thì không ai biết.

Vì công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, nhiều lần Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn phải tạm hoãn, người Đồ Sơn lại cầm súng lên đường tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc. Trải qua  nhiều mốc lịch sử biến động của đất nước, năm 1990, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục lại và từ đó đến nay vẫn luôn duy trì.

Nghệ nhân chia sẻ về phần nghi lễ trình làng để con trâu được trở thành “Ông trâu”:

Việc mang trâu ra trình làng từ tích xưa để lại có ý nghĩa rằng, khi gia chủ có trâu nuôi dưỡng bình thường thì trâu đó chỉ được gọi là “con trâu”, sau khi mang trâu ra trình làng và trải qua nghi thức lễ bái, cầu khấn thưa với thần hoàng làng thì con trâu được gọi là “Ông trâu” và chính thức trở thành vật tế phẩm của thần thánh, được coi trọng, chăm sóc kỹ lưỡng, chú đáo hơn.

Phần thực hiện nghi lễ khi chủ trâu mang trâu đi trình làng thực hiện như sau: Chủ trâu cùng đội lễ sẽ dắt trâu từ nhà đến đình làng, vừa đi vừa cầm cờ trận, đánh trống khẩu.

Về phần lễ vật, tùy vào điều kiện kinh tế của chủ trâu để dâng lễ khi mang trâu đi trình: mâm hoa quả, mâm xôi, mâm vàng mã, mâm bia rượu... điều này cũng là để thể hiện nét văn hóa của người Việt Nam ta, làm gì cũng phải có “thưa gửi, trình báo”. Việc trình trâu không quy định thời gian cụ thể mà do các gia chủ có trâu tự sắp sếp thời gian vào các ngày tốt để mang trâu đi trình làng, nhưng phải diễn ra trước lễ hội chính mồng 9/8 âm lịch.

Giải thích về việc tại sao phải mua trâu nơi khác về nuôi, chăm sóc phục vụ cho Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Nghệ nhân Hoàng Gia Nhật(Bổn) nói: đó là việc thực hiện theo tích xưa, thể hiện qua câu đối cổ:

Hùng Bàng tiêu thắng địa

Kỳ Ngưu đáo xứ, kỷ hành văn!

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mang sắc thái vừa riêng vừa chung, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng đúng như triết lý “trống mọi làng cùng đánh, thánh mọi làng cùng thờ.” 

Ngoài ra, vì là tục lệ của người dân miền biển nên lễ hội chọi trâu còn gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu.

Kim Huệ