THCL Theo Tổng cục Hải quan, XNK trong tháng 2, mặt hàng rau quả tuy giảm gần 31% giá trị với 67 triệu USD, nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm cả nước vẫn ghi nhận nhập kim ngạch 164 triệu USD (tương đương khoảng 3.720 tỷ đồng).
Trung bình mỗi ngày
Người Việt chi gần 2,8 triệu USD/ngày
Các thị trường NK rau củ quả, chủ yếu: Thái Lan vẫn là thị trường rau củ quả nhập lớn nhất, giá trị lên đến 82,6 triệu USD, chiếm hơn 50% giá trị nhập khẩu cả nước; tiếp đó là Trung Quốc với trị giá 31,6 triệu USD, chiếm hơn 19% giá trị nhập khẩu cả nước; Mỹ với 13,2 triệu USD, chiếm 8% giá trị; New Zealand đạt 3,8 triệu USD, chiếm hơn 2,3% giá trị, Úc là 2,5 triệu USD, chiếm hơn 1,5% giá trị.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2016, giá trị nhập khẩu rau củ quả từ Thái Lan về Việt Nam 2 tháng năm 2017 tăng hơn 42 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng rau quả từ Thái Lan nhập về Việt Nam ngày càng lớn và có sự gia tăng mạnh mẽ.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, nguyên nhân khiến nhập khẩu hoa quả Thái tăng nhanh là do nhiều tập đoàn bán lẻ Thái đã mua lại 2 đại siêu thị bán lẻ, bán buôn lớn nhất tại Việt Nam gồm Big C và Metro trong 2 năm 2015 - 2016. Các đại siêu thị này giúp thúc đẩy hoa quả Thái vào Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn. Ngoài ra, rau quả Thái được người Việt “ưa chuộng” là do nét khác lạ của các mặt hàng. Quan trọng hơn chính uy tín, chất lượng của hàng rau quả Thái trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, do từ năm 2015 Việt Nam đã thực hiện xóa bỏ gần như 100% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu thông thường từ Thái Lan và hoa quả, bánh kẹo Thái nằm trong số những mặt hàng hưởng lợi từ chính sách này.
Trước thực trạng này, Tổng cục Hải quan đưa ra cảnh báo: “Trong 2 năm trở lại đây, nhập khẩu hoa quả từ Thái Lan về Việt Nam tăng rất mạnh, điều này khiến nền kinh tế có thể quay trở lại hiện trạng nhập siêu, đây là thực trạng đáng báo động vì rất nhiều mặt hàng trong đó Việt Nam hiện đã và đang sản xuất được”
Thực tế cho thấy, dù là nước nông nghiệp nhưng trong vòng 2 năm qua, Việt Nam đã chi nhiều tiền để nhập các loại rau củ quả từ nước ngoài, phục vụ tiêu dùng trong nước. Từ mức 200 triệu USD nhập mỗi năm, hiện kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tới ngưỡng 1 tỷ USD.
Hoa quả ngoại… loạn giá
Hiện nay, phần lớn người Việt Nam mặc định, đã là hoa quả nhập ngoại thì giá bao giờ cũng cao, nhiều người chấp nhận bỏ tiền trăm, tiền triệu mua về ăn. Tuy nhiên, vì sính ngoại nên nhiều người bị hớ nặng, họ không biết rằng hoa quả nhập ngoại có loại giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg, cùng một loại hoa quả nhập khẩu nhưng có giá bán rất khác nhau. Điều này, khiến người tiêu dùng băn khoăn, liệu giá cả có đi kèm với chất lượng?
Khảo sát, tại một số cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu và các siêu thị như Klever Fruits, Big C, Metro, Hapro, Vinmart… hoa quả nhập khẩu có hàng chục loại với nhiều sản phẩm khá lạ lẫm với người tiêu dùng trong nước như Dưa Sapo, lê Nashi, táo Rubi.
Đơn cử như tại một cửa hàng trên đường Hoàng Quốc Việt các loại hoa quả nhập khẩu như táo GaLa của pháp được bán với giá 110.000 đồng/kg cam Úc 119.000 đồng/kg; bán nho đen không hạt Nam Phi giá 179.000 đồng/kg. Chỉ riêng, tại hệ thống siêu thị Big C, các mặt hàng táo đã có đến gần 10 loại với giá dao động từ 69.900 – 103.900 đồng/kg; hay như, tại hệ thống cửa hàng Klever Fruits, Táo Juliet Organic - Táo hữu cơ Pháp 299.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc 249.000 đồng/kg, cam Austrlia 119.000 đồng/kg; hệ thống cửa hàng Clever Food bán táo đỏ Mỹ giá 120.000 đồng/kg, nho móng tay Mỹ có giá 380.000 đồng/kg…
Theo các cửa hàng, hoa quả nhập khẩu là hàng sạch, tươi ngon, lại hiếm nên khi nhập về Việt Nam qua đường xách tay hoặc đường hàng không thì chi phí đắt đỏ, giá bán ra vì vậy cũng bị đội lên khá cao.
Tuy nhiên, cũng là những mặt hàng trên, tại một cửa hàng ở phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy), giá lại rẻ hơn nhiều. Ví dụ, táo Gala Pháp chỉ 39.900 đồng/kg, cam Australia 59.900 đồng/kg, nho đen không hạt Nam Phi chỉ 149.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc 65.999 đồng/kg...
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khẳng định, rất nhiều loại quả nhập ngoại đang bị loạn giá, thậm chí giá chênh nhau cả trăm ngàn đồng. Để biết các cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu có chênh giá bán với nhau hay không cần phải đưa giấy tờ, hóa đơn nhập khẩu ra so sánh.
“Thị trường hoa quả hiện nay có thể nói là như ma trận, nên các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm tra các hàng hóa hoa quả. Người tiêu dùng nên đến những địa chỉ tin cậy, mua bán có hóa đơn chứng từ, được các cơ quan kiểm tra một cách rõ ràng”, ông Phú cho biết.
Hiện nay, các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát hết được nguồn gốc xuất xứ cũng như nhãn mác của loại hàng hóa này. Hàng nhập tiểu ngạch thường là hàng không được kiểm soát chất lượng.
Mặt khác, một số cửa hàng lợi dụng tâm lí sính ngoại của người tiêu dùng có mức thu nhập cao, đã cố tình đẩy giá lên cao nhằm kiếm lời. Vì vậy, để không bị hớ, bị mua hoa quả ngoại nhập với giá đắt, người tiêu dùng nên so sánh giá cả, chất lượng trước khi trả tiền.
Hải Minh