Tiềm năng lớn phát triển KTĐ
Kinh tế ban đêm (KTĐ) là hoạt động diễn ra vào ban đêm (thường từ 6 giờ tối - 6 giờ sáng) lĩnh vực dịch vụ, bao gồm các hoạt động giải trí, du lịch, ẩm thực, mua sắm…
Theo Bộ Công Thương, phát triển KTĐ, đã hình thành tại một số đô thị và trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hội An, Sapa, Huế… dưới các loại hình các khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, chợ đêm… Cả nước hiện có gần 20 chợ đêm phục vụ khách du lịch, khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi, hoạt động 24/24 giờ (tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. HCM).
Hà Nội, đã phát triển các dịch vụ ban đêm tại khu phố cổ với việc cho phép các hoạt động kinh doanh tới 2 giờ sáng và chợ đêm vào 3 ngày cuối tuần tại các khu vực phố cổ; cho phép mở chợ đêm trên các tuyến phố Hàng Đào, phố đi bộ tại khu vực bờ Hồ vào cuối tuần; một số hoạt động trình diễn nghệ thuật đường phố đã manh nha xuất hiện.
TP. HCM, phát triển các khu phố kinh doanh về đêm (ẩm thực, quán bar, quán cà phê, trình diễn nghệ thuật…) tại một số khu phố đêm và phố đi bộ; đang có kế hoạch phát triển phố chuyên kinh doanh ẩm thực về đêm để hút khách du lịch.
TP. Vũng Tàu, đã lập quy hoạch chi tiết 1/500 của trục đường Thùy Vân - Bãi Sau, có khu dịch vụ du lịch phục vụ du khách và người dân vào ban đêm, cũng như phố đi bộ.
TP. Huế, triển khai dự án “Sáng và sống” nhằm tạo ra thêm nhiều dịch vụ về đêm cho du khách như vào hoạt động hệ thống chiếu sáng kỳ đài, phố đi bộ tại Huế và được du khách đánh giá cao.
Tỉnh Quảng Bình, xây dựng 2 sản phẩm du lịch ban đêm là khám phá TP. Đồng Hới ban đêm bằng xe điện, có phố chợ đêm…
Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển KTĐ như có tài nguyên du lịch ưu đãi và đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế, tình hình chính trị - an ninh ổn định; quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị với sự tập trung dân số trẻ thích sinh sống tại các thành phố; có nền văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đa dạng, đặc sắc; khả năng hội nhập cao.
Thời tiết tương đối phù hợp với các hoạt động về đêm cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch, nhất là du lịch quốc tế, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu - tạo sức hút các nhu cầu về hoạt động ban đêm.
Đánh giá của Bộ Công Thương, các hoạt động KTĐ khá nghèo nàn, đơn điệu và phát triển quy mô nhỏ
Còn đơn điệu, quy mô nhỏ
Đánh giá của Bộ Công Thương, các hoạt động KTĐ khá nghèo nàn, đơn điệu và phát triển quy mô nhỏ, chỉ mới tập trung vào các hoạt động ẩm thực và chợ đêm, hoặc phố đi bộ và mang tính thí điểm. Công tác quy hoạch, xây dựng chính sách và khung pháp lý cho hoạt động KTĐ chưa được quan tâm, thiếu các chiến lược, kế hoạch hay chương trình hành động về phát triển KTĐ ở cấp độ quốc gia và địa phương.
Quy hoạch phát triển KTĐ chưa được tích hợp vào trong quy hoạch phát triển KT-XH của các địch phương. Do đó, chưa được tổ chức chuyên nghiệp và kết nối được các hoạt động hỗ trợ KTĐ với nhau từ du lịch tới ẩm thực, trình diễn nghệ thuật và các hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, hệ thống hạ tầng.
Chưa có các quy hoạch riêng cho phát triển KTĐ, mà chủ yếu phát triển dựa trên hệ thống hạ tầng hiện có với vị trí gần khu dân cư, không gian đô thị chật hẹp, đã hạn chế rất nhiều hoạt động của KTĐ. Chưa có báo cáo thống kê cụ thể về đóng góp của KTĐ vào GDP; các hoạt động kinh doanh ban đêm hiện nay chưa được quản lý một cách bài bản, chưa được quảng bá sâu rộng, chưa đủ để tạo điểm nhấn trong mắt khách du lịch và khai thác hết các tiềm năng mà KTĐ mang lại.
Chính vì những bất cập đó, KTĐ đã và đang gây ra các vấn đề về an ninh trật tự ở địa phương, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải, sự lai căng về văn hóa, tình trạng chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ cho hoạt động kinh doanh (lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…). Khó khăn trong các vấn đề kiểm soát ATVSTP, chất lượng - xuất xứ - giá cả hàng hóa… bày bán tại các khu vực phát triển KTĐ.
Giải pháp để không bỏ rơi…
Theo Bộ Công Thương, việc phát triển KTĐ đã trở thành một xu hướng tất yếu của các quốc gia hiện nay và là một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt đối với các đô thị và khu du lịch hấp dẫn.
Do đó, cần có sự đánh giá sâu hơn về quy mô, tiềm năng phát triển KTĐ một các tổng thể và đối với từng địa phương, ngành, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế phát triển để có thể đưa ra được tầm nhìn, quan điểm và định hướng về lựa chọn, xác định phát triển KTĐ phù hợp với điều kiện của Việt Nam nói chung, của từng ngành, địa phương nói riêng, đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển, nhu cầu của thị trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Xác lập được khung khổ chính sách và pháp luật phù hợp để thúc đẩy phát triển KTĐ, đồng thời hạn chế được những bất cập, rủi ro có thể phát sinh.
Chính phủ nên giao cho cơ quan đầu mối triển khai xây dựng “Đề án phát triển kinh tế đêm của Việt Nam”; chỉ đạo các địa phương đưa nội dung quy hoạch phát triển KTĐ vào trong quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của các tỉnh, thành phố. Trong đó, cần quy hoạch rõ khu vực, địa bàn, tuyến đường tập trung phát triển, các khu vực trung tâm và vệ tinh…
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng “Đề án phát triển kinh tế đêm đối với ngành, lĩnh vực và địa phương”. Lựa chọn thực hiện thí điểm phát triển KTĐ tại một số thành phố lớn và một số khu vực du lịch lớn trên cả nước như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Đà Lạt, Sapa, Hội An…
Về phía các bộ, ngành và địa phương, cần tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển KTĐ liên quan đến ngành, lĩnh vực bộ, ngành và địa phương phụ trách và có các giải pháp để phát triển KTĐ. Xây dựng đề án phát triển KTĐ đối với ngành, lĩnh vực địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với ác hoạt động kinh doanh đêm trên địa bàn và do bộ, ngành mình phụ trách. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quản lý, phát triển KTĐ đối với các vấn đề như văn hóa - nghệ thuật, ATVSTP, hạ tầng, du lịch, bán lẻ…
Bùi Quyền