
Một số lĩnh vực tăng trưởng khá
Theo UBND tỉnh Lào Cai, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh quý I/2025 tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2024, xếp thứ 13/14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cao hơn mức tăng 5,03% của quý I/2024.
Trong mức tăng chung 5,56% của quý I năm 2025 thì khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,47%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 2,78%, đóng góp 1 điểm phần trăm, trong đó công nghiệp tăng 2,10%, đóng góp 0,58 điểm phần trăm, xây dựng tăng 5,13%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,70%, đóng góp 3,67 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,62%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Cụ thể, trong quý I/2025, hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ diễn ra rất sôi động. Đây là thời điểm trùng vào Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm tăng cao. Các đơn vị sản xuất kinh doanh thương mại đã tập trung triển khai tốt việc dự trữ, khai thác nguồn hàng, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của Nhân dân trong tỉnh, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn góp phần kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh cũng diễn ra nhiều lễ hội truyền thống nên lượng khách đến tham quan, du lịch kết hợp đi du lịch tâm linh tại các địa phương trong tỉnh tăng mạnh, góp phần tăng doanh thu các ngành dịch vụ. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào, hàng hóa được lưu thông thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống và Nhân dân, giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 3 ước đạt 3.859,2 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước. Lũy kế quý I/2025 ước đạt 11.400 tỷ đồng, bằng 22,8% kế hoạch tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, trong quý I, công tác trao đổi, nắm bắt thông tin quản lý hoạt động xuất nhập khẩu được các cơ quan quản lý tăng cường triển khai. Tại cửa khẩu quốc tế, hoạt động thông quan hàng hóa được đảm bảo diễn ra thông suốt ngay cả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, không xảy ra tình trạng ùn tắc phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu vẫn là: xuất khẩu gỗ ván bóc, thanh long, dưa hấu, mít, chuối, chôm chôm, xoài, sắn…; nhập khẩu hoa, cây cảnh, rau củ quả tươi, than cốc, phân bón, máy móc, thiết bị...
Lượng phương tiện thông quan tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành trung bình khoảng 300 xe/ngày; trong đó xuất khẩu 90 xe/ngày, nhập khẩu 210 xe/ngày. Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt: Hoạt động thông quan diễn duy trì với 2 - 3 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày, hàng hóa thông quan tại cửa khẩu trong tháng chủ yếu hàng lưu huỳnh quá cảnh; phân bón, than cốc nhập khẩu và quặng sắt tái xuất…

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng Ba ước đạt 222,4 triệu USD, tăng 47,48% so với tháng trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm ước đạt 549,34 triệu USD, giảm 0,05% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,1% kế hoạch.
Trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 79,64 triệu USD, tăng 44,03% so với tháng trước, giảm 15,62% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế ước đạt 205,14 triệu USD, giảm 13,95% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 4,56% kế hoạch năm.
Giá trị nhập khẩu ước đạt 91,2 triệu USD, tăng 70,43% so với tháng trước và tăng 61,82% so với tháng cùng kỳ năm 2024; lũy kế ước đạt 215,5 triệu USD, tăng 57,09% so với cùng kỳ, đạt 9,8% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ diễn ra nhộn nhịp, các tiểu thương cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật, hàng hóa được lưu thông thông suốt. Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả đối với các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các loại hàng hóa thực phẩm và nguyên nhiên vật liệu được các cơ quan chuyên môn và các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đáp ứng quy định về chất lượng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa theo quy định; không có tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh và thời điểm Lễ, Tết để mua gom hàng hóa, tăng giá bất hợp lý để thu lời bất chính.
Trong tháng, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 10 lượt vụ; vi phạm 07 vụ; tổng giá trị xử lý 53 triệu đồng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 53 triệu đồng. Lũy kế 3 tháng đầu năm kiểm tra 104 vụ; số vụ vi phạm 87 vụ; tổng giá tri xử lý 1.399 triệu đồng; thu nộp ngân sách nhà nước 829 triệu đồng.
Đặc biệt, trong qúy I/2025, trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn ra nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội Đền Thượng, Lễ hội xuống đồng tại xã Cam Đường, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai); Lễ hội Gầu Tào tại xã Hoàng Liên và Lễ hội xuống đồng, xã Tả Van (thị xã Sa Pa); Festival cao Nguyên trắng Bắc Hà với chủ đề “Nghiêng say mùa Xuân”… nên lượng khách đến tham quan, du lịch kết hợp đi du lịch tâm linh tại các địa phương trong tỉnh tăng mạnh, góp phần tăng doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ vận tải.
Tổng lượt khách đến Lào Cai tháng 3 đạt 986.558 lượt khách (trong đó khách quốc tế 89.869 lượt, khách nội địa 896.689 lượt), giảm 20% so với với tháng trước. Lũy kế năm 2025 đạt 3.042.190/10.000.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế 257.717 lượt, khách nội địa 2.784.473 lượt), bằng 30% KH năm 2025, tăng 50% so với CK năm 2024. Trong đó thị xã Sa Pa thu hút khoảng 500.000 lượt; thành phố Lào Cai khoảng 350.000 lượt; huyện Bắc Hà khoảng 79.000 lượt; huyện Bảo Yên khoảng 183.000 lượt; huyện Bát Xát khoảng 29.000 lượt; các địa phương khác khoảng 60.000 lượt,…
Tổng thu từ khách du lịch tháng 3 đạt khoảng 3.361 tỷ đồng, giảm 19% so với tháng trước; lũy kế năm đạt khoảng 10.235/44.750 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch, tăng 60% so với lũy kế cùng kỳ năm 2024.
Tổng thu ngân sách lũy kế đến hết tháng 3/2025 ước đạt 7.098 tỷ tỷ đồng
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh lũy kế đến hết tháng 3/2025 ước đạt 3.254 tỷ đồng, bằng 33,1% dự toán Trung ương giao, bằng 21% dự toán UBND tỉnh giao tại Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 10/12/2024 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và dự toán ngân sách nhà nước 2025 tỉnh Lào Cai, bằng 157,2% CK năm trước. Tổng thu ngân sách địa phương lũy kế đến hết tháng 3/2025 ước đạt 7.098 tỷ đồng, bằng 38,1% dự toán Trung ương giao, bằng 31,5% dự toán tỉnh giao và bằng 119,3% cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 2.984 tỷ đồng, bằng 34,80% dự toán Trung ương giao, bằng 23,50% dự toán tỉnh giao và tăng 64,50% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 270 tỷ đồng, bằng 21,60% dự toán Trung ương giao, bằng 9,60% dự toán tỉnh giao và tăng 5,50% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế đến hết tháng 3 năm 2025, tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai ước đạt 6.000 tỷ đồng, bằng 35,4% dự toán Trung ương giao, bằng 32% dự toán tỉnh giao và tăng 0,10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I năm 2025, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai ước đạt 5.779,59 tỷ đồng, giảm 23,65% so với quý IV/2024, so với cùng kỳ năm trước tăng 10,93%. Cụ thể, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.484,28 tỷ đồng, chiếm 25,38% tổng nguồn vốn và giảm 11,81% so với cùng quý năm trước.
Trong đó, vốn Trung ương quản lý ước đạt 490,60 tỷ đồng, so với quý trước giảm 46,89%, so với cùng kỳ giảm 34,60%, giảm chủ yếu ở vốn tự có của của doanh nghiệp Nhà nước (Công ty Apatit Lào Cai, Chi nhánh luyện Đồng Lào Cai,...); vốn địa phương quản lý ước đạt 993,69 tỷ đồng, giảm 49,36% so với quý trước, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng so với cùng kỳ là do trong quý một số công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ (dự án xây dựng Khu nhà ở thương mại, các dự án thủy điện và các dự án đường giao thông;...);
Một số dự án đang được triển khai khẩn trương thi công như: Dự án Đường nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa; Bệnh viện đa khoa huyện Bát Xát; xây mới Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai giai đoạn 2; cải tạo, nâng cấp tuyến đường Bản Xèo - Dền Sáng - Y Tý, huyện Bát Xát; đường kết nối Tỉnh lộ 151 (Võ Lao, Văn Bàn) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên); cầu biên giới qua Sông Hồng tại xã Bản Vược,…

Mặc dù, trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo, đầu tư về mọi mặt để thu hút các dự án FDI, mặc dù cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện nhiều, nhưng do khoảng cách từ tỉnh Lào Cai đến hệ thống cảng biển của thành phố Hải Phòng, đến các trung tâm kinh tế như thành phố Hà Nội khá xa, nên chi phí vận chuyển từ Lào Cai tương đối lớn, vì vậy làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút FDI của tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ phục vụ thu hút, triển khai các dự án đầu tư như: Tư vấn pháp luật; thông tin liên lạc; thông tin thị trường; dịch vụ Ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; thị trường lao động,... còn nhiều hạn chế. Trên thực tế hầu hết các dự án FDI đề xuất mới của các nhà đầu tư (chủ yếu trên lĩnh vực du lịch - dịch vụ, nông nghiệp) lại chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy, nhà đầu tư phải phối hợp với địa phương thực hiện các thủ tục, trình tự về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai có 27 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 727,834 triệu USD (giảm 01 dự án so với quý IV năm 2024); các dự án chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch - dịch vụ, các dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, quy mô nhỏ; các dự án FDI tập trung chủ yếu tại các Khu công nghiệp, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn là các địa phương có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, thông tin được thực hiện tốt; công tác an sinh xã hội được quan tâm; công tác giáo dục được đẩy mạnh; y tế đảm bảo việc khám - chữa bệnh cho người dân; an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ gìn; quan hệ đối ngoại được giữ vững; công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả tốt.
Hải Minh