Các chuyên gia cảnh báo về các
Các chuyên gia cảnh báo về các "hàng rào kỹ thuật" mới như tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, môi trường, lao động và nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (Ảnh minh họa)

Xuất nhập khẩu duy trì mức tăng cao

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2024 (từ ngày 1/11 đến ngày 15/11/2024) đạt 33,44 tỷ USD, giảm 9,7% (tương ứng giảm 3,58 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2024.  

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 11/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/11/2024 đạt 681,48 tỷ USD, tăng 15,7% tương ứng tăng 92,28 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 461,33 tỷ USD, tăng 14% (tương ứng tăng 56,74 tỷ USD).

Trong kỳ 1 tháng 11 năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 31 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 23,28 tỷ USD.

Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2024 đến 15/11/2024 và cùng kỳ năm 2023
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 1/1/2024 đến 15/11/2024 và cùng kỳ năm 2023 (Tổng Cục Hải quan)

Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11 năm 2024 đạt 16,73 tỷ USD, giảm 13,7% (tương ứng giảm 2,66 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 10/2024.

Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 11/2024 giảm so với kỳ 2 tháng 10/2024 ở một số nhóm hàng sau: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 577 triệu USD, tương ứng giảm 20%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 365 triệu USD, tương ứng giảm 14,4%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 261 triệu USD, tương ứng giảm 7,8%;...

Như vậy, tính đến hết 15/11/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 352,38 tỷ USD, tăng 14,8% tương ứng tăng 45,54 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện  tăng 12,79 tỷ USD, tương ứng tăng 26,1%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 8,08 tỷ USD, tương ứng tăng 21,7%; hàng dệt may tăng 3,07 tỷ USD, tương ứng tăng 10,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,46 tỷ USD, tương ứng tăng 21,4%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,25 tỷ USD, tương ứng tăng 4,8%... so với cùng kỳ năm 2023.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 11/2024 đạt 12,04 tỷ USD, giảm 12,9% tương ứng giảm 1,79 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 10/2024. Tính đến hết ngày 15/11/2024, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 252,17 tỷ USD, tăng 13%, tương ứng tăng 28,94 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 72% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2024 đến 15/11/2024 và cùng kỳ năm 2023
Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2024 đến 15/11/2024 và cùng kỳ năm 2023 (Ảnh: Tổng Cục Hải quan)

Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2024 đạt 16,7 tỷ USD, giảm 5,3% (tương ứng giảm 928 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2024.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 11/2024 giảm so với kỳ 2 tháng 10/2024 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 341 triệu USD, tương ứng giảm 6,8%; sắt thép các loại giảm 217 triệu USD, tương ứng giảm 29%;.

Như vậy, tính đến hết 15/11/2024, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 329,1 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 46,74 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 17,21 tỷ USD, tương ứng tăng 22,7%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 6,17 tỷ USD, tương ứng tăng 17,2%; sắt thép các loại tăng 2,01 tỷ USD, tương ứng tăng 22,4%; kim lọai thường khác tăng 1,64 tỷ USD, tương ứng tăng 1,64 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,37 tỷ USD, tương ứng tăng 18%... so với cùng kỳ năm 2023.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 10,43 tỷ USD, giảm 5,8% (tương ứng giảm 643 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 10/2024. Tính đến hết ngày 15/11/2024, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 209,16 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 27,79 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 63,6% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Nhận diện những khó khăn

Tại Hội thảo “Đẩy mạnh xuất nhập khẩu - giải pháp nào cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa?” do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tổ chức mới đây, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Trần Thị Thanh Tâm nhận định: Hiện kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta, đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực trong hoạt động xuất khẩu; song bà Tâm cũng cảnh báo về những "cơn sóng ngầm" đe dọa hoạt động xuất khẩu cuối năm 2024 và năm 2025.

“Hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, vẫn có những thuận lợi và thách thức song hành, như: Diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, yếu tố rủi ro, bất định, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông. Thiên tai, biến đổi khí hậu, tiếp tục tác động nặng nề, nhất là sau cơn bão Yagi... đã làm tốc độ phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại”, bà Tâm thông tin.

Tại Hội thảo, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đã thông tin cập nhật về tình hình xuất nhập khẩu hiện nay, bối cảnh và xu hướng trong thương mại quốc tế - tiềm năng và giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chia sẻ về xu hướng trong thương mại quốc tế hiện nay, ông Trần Thanh Hải cho biết: “Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19, khiến nhiều nhà sản xuất nhận ra không nên phụ thuộc vào một điểm sản xuất cố định, từ đó dẫn tới làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh việc các nhà sản xuất nước ngoài rời Trung Quốc, ngay cả các nhà sản xuất Trung Quốc, cũng đang tích cực tìm kiếm và thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phân tán rủi ro”.

Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ThS. Nguyễn Anh Dương cho biết: Kinh tế toàn cầu phục hồi, mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo thêm cơ hội để gia tăng xuất khẩu, gắn với đà phục hồi của chuỗi cung ứng ở châu Á. Tuy nhiên, bên cạnh đó là thách thức từ xu hướng phát triển bền vững, việc gia tăng các biện pháp thương mại tại nhiều thị trường...

Trong khi đó, quá trình chuyển đổi xanh còn tương đối chậm, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của doanh nghiệp với các quy định về phát triển bền vững ở một số thị trường chính. Việc tiếp cận vốn theo chuỗi giá trị, chưa phổ biến ở Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, trong khi việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán còn khiêm tốn.

Bên cạnh đó, việc khó tiếp cận vốn vay ngoại tệ để nhập khẩu đầu vào, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu; quy định pháp luật hiện hành, mới chỉ tập trung vào một số hình thức như bao thanh toán, thư tín dụng..., cũng là những thách thức mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt.

Đẩy mạnh xuất nhập khẩu - giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Đẩy mạnh xuất nhập khẩu - giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu năm 2025?

Về triển vọng xuất nhập khẩu năm 2025, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải dự báo: Thị trường thế giới có dấu hiệu ổn định, lạm phát giảm tại các thị trường lớn, nhu cầu và sức mua phục hồi; tình hình sản xuất trong nước ổn định, nguồn hàng dồi dào, phong phú; thu hút FDI đạt kết quả tốt.

Các hiệp định thương mại tự do phát huy tác dụng, giúp gia tăng kim ngạch ở các thị trường có FTA, các FTA mới đi vào thực hiện... Do đó, dự báo xuất nhập khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt từ nay tới quý I/2025, tăng trưởng đều ở các nhóm hàng và thị trường.

Tuy nhiên, những thách thức là các "hàng rào kỹ thuật" mới cần nhận diện rõ đó là các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn, môi trường, lao động hay nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”...

Để tận dụng các cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu và hạn chế các thách thức, ông Trần Thanh Hải cho rằng: “Các doanh nghiệp cần xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh dài hạn, chú trọng đến cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các hỗ trợ của Nhà nước; tìm hiểu, tận dụng các FTA để mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; đầu tư nâng cao nhân lực, ứng dụng công nghệ số để nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, tính chuyên nghiệp, tiến ra thị trường quốc tế.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động phương án dự phòng, khắc phục những sự cố, rủi ro, biến động trên thị trường; cảnh giác với các hành vi gian lận, lừa đảo trong thương mại quốc tế”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Dương kiến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định mới ở các thị trường và đề ra kế hoạch ứng phó; nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh doanh mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế số...); tăng cường chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với các xu hướng, quy định mới (CBAM, EUDR, bảo vệ dữ liệu cá nhân...). Từ đó, đề xuất các hỗ trợ kỹ thuật phù hợp từ các đối tác (các cơ quan nhà nước khó có thể đưa ra đề xuất hỗ trợ cụ thể từ đối tác).

Đồng thời, chúng ta cần nghiên cứu các giải pháp điều chỉnh các quy định có tính thích ứng với các xu hướng mới (hài hòa hóa với các tiêu chuẩn quốc tế, có cân nhắc tới năng lực thích ứng của doanh nghiệp trong nước); tham gia xây dựng các luật chơi quốc tế phù hợp trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

Dưới góc nhìn từ hoạt động logistics, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Ngô Khắc Lễ khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần sử dụng dịch vụ kho bãi linh hoạt, áp dụng các kho ngoại quan, kho chung (fulfillment center) để giảm chi phí lưu trữ và tăng tốc độ xử lý hàng hóa; đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường, áp dụng giải pháp logistics xanh, giảm lượng khí thải và tiêu thụ năng lượng trong quá trình vận chuyển.

Bên cạnh đó, ông Ngô Khắc Lễ cho rằng, các doanh nghiệp cần chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh theo hướng tối ưu hoá sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến giúp giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải; tối ưu hóa lộ trình và phương thức vận tải, thông qua kết hợp đa phương thức vận tải (đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt) để tối ưu chi phí và thời gian vận chuyển.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt lưu ý đến nguy cơ bị lợi dụng FTA để chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa vào Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp - là yếu tố quyết định để bảo đảm vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Năm 2025 - hứa hẹn sẽ mang lại những bước tiến lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược hợp lý, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tận dụng thời cơ để vươn xa hơn nữa trên bản đồ thương mại toàn cầu.

Thanh Lam - Phan Chinh